Cứu sống bệnh nhi bị nhiễm trùng uốn ván dù hiếm gặp

(Dân trí) - Mặc dù đã được sơ cứu vết thương và tiêm phòng uốn ván tại Trạm y tế xã nhưng 7 ngày sau, bé Yến phải nhập viện do nhiễm trùng uốn ván trong tình trạng nguy kịch.


 
Chiều ngày 22/10, bác sỹ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Lây - Truyền nhiễm Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, sau 13 ngày điều trị, bệnh nhi Trần Thị Hải Yến (22 tháng tuổi, quê Nghi Thái, Nghi Lộc, Nghệ An) đã qua cơn nguy kịch.

Trước đó, ngày 10/10, bệnh nhi Yến được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng bị sốt cao, cứng hàm, co giật, căng người, miệng khó há, khó nuốt, căng trương lực cơ toàn thân. Anh Trần Văn Dũng, bố bé Yến cho biết: Ngày 3/10, bé Yến dẫm phải mảnh chai trong lúc chơi ngoài vườn. Vết cắt vào ngón chân cái khá sâu nên sau khi sơ cứu, gia đình đã đưa bé đến Trạm y tế xã khâu vết thương và tiêm phòng uốn ván. Tuy nhiên, đến ngày 10/10, thấy cháu có biểu hiện sốt cao, co giật, cứng hàm, gia đình vội đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Vết thương do dẫm mảnh sành là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị nhiễm vi trùng uốn ván.

Vết thương do dẫm mảnh sành là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị nhiễm vi trùng uốn ván.


Sau khi kiểm tra, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhi Trần Thị Hải Yến bị nhiễm vi trùng uốn ván toàn thể ủ bệnh 7 ngày. Biểu hiện bệnh cho thấy sức khỏe của bệnh nhân rất kém, tiên lượng xấu nên bác sỹ cho dùng huyết thanh SAT liều cao, kháng sinh, an thần liều cao và thuốc chống co giật liều cao kết hợp tiêm, uống.

Sau 13 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã cắt sốt, không còn co giật. Hiện tại đã ăn được sữa hoặc cháo loãng. Tuy nhiên, để hồi phục, bệnh nhi cần được theo dõi và điều trị trong vòng 1-2 tuần tới.

Trước đó, Khoa Lây - Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã cứu sống bệnh nhân Lầu Y Ho (7 ngày tuổi, quê ở xã Mường Típ, Kỳ Sơn) bị uốn ván cuống rốn sơ sinh. Bệnh nhi Lầu Y Ho được sinh ở nhà, bà đỡ dùng que nứa để cắt rốn, sau 6 ngày, bé bỏ bú, cứng hàm và lên cơn co giật toàn thân.

Sau 13 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch tuy nhiên vẫn bị gống cừng người.

Sau 13 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch tuy nhiên vẫn bị gống cừng người.

“Bệnh nhi Yến là các dạng nhiễm vi trùng uốn ván hiếm gặp bởi trước đó đã được tiêm phòng. Các bà mẹ nên sinh con tại trạm y tế, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa điều kiện vệ sinh còn hạn chế. Sau khi sinh, bé cần được tiêm phòng uốn ván. Nếu có vết thương sâu, bẩn cần được xử lý rồi đưa đến cơ sở y tế để được tiêm phòng nhắc lại hoặc được các chuyên gia y tế tư vấn”, bác sỹ Sơn khuyến cáo.

Hoàng Lam