Cuối năm nhậu "tới bến": Sau bao lâu cơ thể hết nồng độ cồn?
(Dân trí) - Cuối năm, những cuộc liên hoan triền miên khiến nhiều người phải "đau đầu" mỗi khi tính phương án di chuyển.
Đau đầu chọn phương tiện sau bữa nhậu tới bến
Thường xuyên phải tiếp khách, liên hoan vào bữa tối, anh Hải (tên nhân vật đã được thay đổi), 35 tuổi, sống tại Nam Từ Liên, Hà Nội thường xuyên phải băn khoăn trong việc chọn phương tiện đi làm sáng hôm sau.
"Nghe nhiều trường hợp tối đi nhậu đến sáng hoặc thậm chí là trưa thổi vẫn phát hiện nồng độ cồn, nên tôi hay lựa chọn phương pháp an toàn để đến cơ quan như: đi xe bus, tàu điện trên cao hoặc xe ôm", anh Hải chia sẻ.
Anh Hải cho biết thêm, những buổi tiếp khách, liên hoan cùng bạn bè thường "tới bến". Ít nhất mỗi người phải uống 7-8 lon bia hoặc nửa lít rượu. Do đó, anh cho rằng sáng hôm sau cơ thể mình vẫn chưa thể đào thải hết cồn.
"Có những ngày làm việc phải di chuyển nhiều địa điểm, tôi cũng tặc lưỡi tự lái xe đi. Thế nhưng, bản thân luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ dính nồng độ cồn", anh Hải cho hay.
Cuối năm, những cuộc liên hoan triền miên, cũng khiến anh Minh Trí, 27 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội phải "đau đầu" mỗi khi tính phương án di chuyển.
"Đôi khi buổi trưa, anh em tụ họp làm 2-3 chén rượu nhưng chiều tan tầm, tôi cũng lo còn nồng độ cồn phải để xe ở lại cơ quan và đi xe ôm về. Về cuối năm, các bữa rượu cũng dày lên nên việc này rất bất tiện", anh Trí chia sẻ.
Nghe bạn bè chia sẻ, anh Trí cũng lên mạng tìm các loại máy tự kiểm tra nồng độ cồn để có thể an tâm lựa chọn loại phương tiện.
"Thời gian trước, các loại máy tự kiểm tra nồng độ cồn còn chưa phổ biến, giá cũng khá cao, loanh quanh một triệu đồng nên tôi chỉ xem qua nhưng không có ý định mua.
Tuy nhiên, gần đây mặt bằng giá đã hạ nhiệt. Dịp cuối năm liên hoan nhiều nên tôi cũng quyết định xuống tiền mua một thiết bị khoảng 500.000 đồng để an tâm hơn", Trí cho hay.
Sau bữa nhậu tới bến bao lâu mới hết nồng độ cồn?
Nghiên cứu đã chỉ ra, chỉ có khoảng 5 - 10% lượng rượu đưa vào cơ thể được bài tiết qua mồ hôi, hơi thở và nước tiểu; 90 - 95% lượng rượu, bia còn lại được chuyển đến gan để xử lý.
Theo TS Bùi Lê Minh, Trưởng Ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, tốc độ đào thải cồn khỏi cơ thể phụ thuộc nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, di truyền, cân nặng…
Nhìn chung, trung bình cơ thể sẽ mất khoảng 12-24 tiếng để hoàn toàn chuyển hóa và đào thải cồn khỏi cơ thể. Như vậy hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng sau một đêm nhậu "tới bến", khi ngủ dậy và đã tỉnh rượu nhưng bạn sẽ vẫn phát hiện ra cồn trong hơi thở.
Với trường hợp sau khi uống một cốc bia (khoảng 350ml) khoảng 15 phút là kết quả đọc nồng độ cồn đã có thể phát hiện ra cồn trong hơi thở.
Một cốc bia có thể làm tăng nồng độ cồn trong máu (BAC) lên 0,02%.
"Với quy định mới, chỉ cần phát hiện ra cồn trong hơi thở bạn đã bị phạt khi tham gia giao thông. Nên dù chỉ uống một cốc bia trong vòng một tiếng bạn vẫn có khả năng bị phạt. Do đó, nên tránh uống bia trong khoảng 5-6 tiếng trước khi lái xe, dù chỉ là một cốc", TS Minh chia sẻ.
Với những trường hợp nhậu "tới bến" khoảng 5-6 chai bia vào tối hôm trước thì cần có tối thiểu 12 tiếng để cơ thể đào thải cồn, tốt nhất là 24 tiếng để đảm bảo không phát hiện ra cồn trong hơi thở.