Người dân lo lắng thổi chung máy đo nồng độ cồn: Có lây bệnh truyền nhiễm?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Các chuyên gia bệnh truyền nhiễm đã có những phân tích khả năng lây bệnh truyền nhiễm, xoay quanh thông tin nhiều người dân được công an cho thổi chung máy đo nồng độ cồn.

Thời gian qua, ngành công an đã siết chặt kiểm soát tình trạng uống rượu bia khi tham gia giao thông, bằng việc dùng thiết bị đo nồng độ cồn trực tiếp trên hơi thở của người dân điều khiển xe trên đường.

Chủ trương này đã mang lại nhiều hiệu quả, khi giúp kéo giảm các vụ tai nạn giao thông, từ đó góp phần lớn trong việc đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe người dân.

Nguy cơ lây lan bệnh nếu ngậm chung ống thổi?

Tuy nhiên gần đây, hình ảnh cảnh sát giao thông dùng một máy đo nồng độ cồn liên tục cho nhiều người dân thổi vào để kiểm tra được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội.

Nhiều ý kiến bày tỏ nỗi lo việc "dùng chung" nêu trên có thể làm lây lan các bệnh truyền nhiễm, nhất là trong giai đoạn giao mùa cuối năm, thời điểm nhiều dịch bệnh hô hấp hoành hành.

Người dân lo lắng thổi chung máy đo nồng độ cồn: Có lây bệnh truyền nhiễm? - 1

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế vào ban đêm (Ảnh: Đ. Cường).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng bộ môn Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) cho biết, nếu tiếp xúc trực tiếp với ống thổi, người dân sẽ có nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm qua đường nước bọt (như virus cảm lạnh, viêm gan siêu vi A), tiêu hóa, hô hấp.

Do đó, cơ quan chức năng nên thay ống cho từng người, hoặc nếu dùng chung cần đảm bảo vấn đề vô trùng. Còn với cách đo nồng độ cồn nhưng không tiếp xúc trực tiếp (đo nồng độ cồn định tính, không ngậm ống), nguy cơ để lây lan bệnh truyền nhiễm không cao.

Bác sĩ Vân Anh nhận định, chủ trương đo nồng độ cồn trên đường là rất tốt, đã mang lại nhiều hiệu quả về mặt an toàn giao thông, an ninh trật tự. Tuy nhiên, ngành công an cần phối hợp với ngành y tế để xây dựng một quy trình vô trùng ống thổi khoa học và công bố thông tin, để người dân yên tâm.

"Giống như ống nội soi, ngành y tế cũng phải nghiên cứu mới biết được việc ngâm vào dung dịch khử khuẩn bao lâu thì bệnh nhân tiếp theo mới có thể dùng trở lại", bác sĩ Vân Anh dẫn chứng.

Người dân lo lắng thổi chung máy đo nồng độ cồn: Có lây bệnh truyền nhiễm? - 2

Bác sĩ dùng ống nội soi dạ dày cho bệnh nhân (Ảnh minh họa: BS).

Lãnh đạo khoa Truyền nhiễm, một bệnh viện đa khoa hạng 1 ở TPHCM cho biết, việc đo nồng độ cồn định tính sẽ hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch bệnh. Vì với cách đo này, bệnh nhân không ngậm vào mà chỉ thổi hơi vào chiếc ống hình phễu.

Riêng với cách đo định lượng ngậm trực tiếp vào ống thổi, nếu dùng chung ống hoặc không đảm bảo vệ sinh, không dùng hóa chất khử khuẩn trong thời gian nhất định, nguy cơ lây nhiễm chéo một số bệnh như lao, nấm miệng, viêm đường hô hấp, nhiễm virus HP dạ dày qua nước bọt có thể xảy ra.

Đo nồng độ cồn định tính có độ an toàn cao

Phân tích chi tiết hơn với phóng viên Dân trí, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Qui, quyền Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ, với loại máy đo nồng độ cồn định tính, người dân sẽ không ngậm vào mà thổi luồng hơi thở vào chiếc ống hình phễu.

Bên trong máy có van chặn một chiều, nên luồng khí từ miệng chỉ đi vào mà không di chuyển ngược lại. Ngoài ra về nguyên tắc hô hấp, chỉ khi ngừng thở ra, người dân mới hít không khí vào. Lúc này, việc tiếp xúc với máy kiểm tra nồng độ cồn đã hoàn tất.

Người dân lo lắng thổi chung máy đo nồng độ cồn: Có lây bệnh truyền nhiễm? - 3

Hình ảnh máy đo nồng độ cồn định lượng (Ảnh: PV).

Do đó, khả năng lây lan bệnh với những người khác trong trường hợp này gần như không có. Còn với cách đo nồng độ cồn định lượng, ngậm ống thổi, vẫn có khả năng lây lan các bệnh đường hô hấp qua dịch tiết, giọt bắn.

Kể cả việc ngâm dung dịch vô trùng cho ống thổi cũng không đảm bảo hoàn toàn việc sát khuẩn, khi dung dịch để lâu ở môi trường bên ngoài và phải sử dụng liên tục cho nhiều người.

Do đó, bác sĩ Qui cho rằng, trong trường hợp phải dùng chung ống thổi có sự tiếp xúc trực tiếp (ngậm), người dân có quyền yêu cầu cơ quan chức năng thay ống khác để đảm bảo an toàn cho sức khỏe bản thân.