1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cục trưởng Y tế: "Không thể con trai là cắt bao quy đầu như Khoái Châu"

Ngày 26.7, PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, Bộ Y tế đã khẩn trương chỉ đạo điều tra dịch tễ về hiện tượng y tế công cộng làm hàng chục trẻ sùi mào gà ở Khoái Châu (Hưng Yên).

Theo PGS Phu, Bộ Y tế đã có nhiều cuộc họp và quyết định giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư - cơ quan chuyên điều tra dịch tễ để làm đầu mối việc điều tra này. Cụ thể việc điều tra phải làm rõ: Tại sao lại có nhiều trẻ đi xử lý chít hẹp bao quy đầu như vậy? Nguồn lây khiến trẻ nhiễm sùi mào gà từ đâu? Các cơ chế lây ra sao? Việc giúp đỡ, điều trị bệnh nhi bị sùi mào gà để các em không bị ảnh hưởng về sức khoẻ sau này thế nào?.

Trẻ điều trị sùi mào gà ở Bệnh viện Da liễu T.Ư
Trẻ điều trị sùi mào gà ở Bệnh viện Da liễu T.Ư

PGS Phu nhấn mạnh, quan trọng nhất là phải lưu tâm đến vấn đề truyền thông. “Cần phải giúp người dân hiểu sùi mào gà là bệnh gì, nguyên nhân lây nhiễm ra sao để phòng tránh không lây nhiễm thêm sang người khác, bao gồm cả trẻ em và người lớn. Điều thứ 2 mà Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo là các nhà ngoại khoa, dịch tễ cần phải khuyến cáo người dân lưu ý sức khoẻ con như thế nào mới đi khám và điều trị chít hẹp bao quy đầu. Làm gì có chuyện 5-6 tháng đã đi cắt bao quy đầu. Trẻ em phải đến lứa tuổi nhất định, tình trạng chít hẹp gây nên viêm nhiễm ra sao mới đi cắt. Chứ không thể cứ có con trai là đi cắt bao quy đầu như ở Khoái Châu” – PGS Phu nói.

PGS Phu cũng cho biết thêm, ngành y tế cũng cần tuyên truyền cho người dân khi đi khám bệnh này thì phải chọn cơ sở y tế ra sao. Không thể để tiếp tục xảy ra tình trạng như ở Khoái Châu, nhà nhà kéo đến nhà riêng một y sĩ để khám và điều trị cho con, mặc dù nhà này không có biển hiệu, không được cấp phép. “Người dân không thể tin mù quáng. Tôi chưa khẳng định việc lây nhiễm là từ nhà của y sĩ Hiền, điều này cần tiếp tục được điều tra làm rõ. Nhưng rõ ràng người dân cần chọn một cơ sở y tế được cấp phép, tin cậy. Quá trình khám, điều trị phải theo quy trình nhất định, đảm bảo kỹ thuật, an toàn vệ sinh. Việc khám bệnh theo truyền miệng như vậy rất nguy hiểm” – PGS Phu chia sẻ.

Hiện Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cũng đã khẩn trương làm việc với Sở Y tế Hưng Yên, Bệnh viện Da Liễu T.Ư và các ngành liên quan để lên kế hoạch điều tra dịch tễ. Sau khi có kết quả điều tra thì sẽ có các biện pháp xử lý phù hợp.

“Việc điều tra dịch tễ còn phải phụ thuộc vào diễn biến thực tế nên chỉ có thể cố gắng trong thời gian nhanh nhất để có kết quả. Sau đó căn cứ trên tình hình để có giải pháp xử lý” – PGS Phu nói.

Trước đó, 70 gia đình có con mắc sùi mào gà ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên gửi đơn kêu cứu tới Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Công an, Y tế, Viện KSND Tối cao... cùng các cơ quan chức năng tỉnh.

Đơn nêu rõ, các gia đình đưa con đến nhà y sĩ Hiền vào khoảng tầm tháng 2-3.2017 để thăm khám và làm thủ thuật nong tách bao quy đầu. Có gia đình chỉ đến mua thuốc ho, khám viêm họng cũng bị y sĩ Hiền tự ý vạch quần xem bộ phận sinh dục của các cháu rồi dọa nếu không nong tách bao quy đầu các cháu sẽ bị ung thư, vô sinh.

Cha mẹ của các bé bị sùi mào gà cũng chia sẻ, suốt 2 tháng nay, gia đình vô cùng lo lắng cho sức khỏe và tương lai của các cháu. Theo đơn, nhiều cha mẹ đã phải nghỉ việc ở công ty, bán tài sản để đưa con đi khám và điều trị ở Hà Nội. Chi phí chữa trị mất khoảng 20-30 triệu đồng, có trường hợp lên đến 80 triệu đồng.

PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TƯ cho biết, Sở Y tế Hưng Yên sẽ mời chuyên gia xây dựng bộ câu hỏi điều tra cộng đồng. Bệnh viện sẽ dựa vào mẫu bệnh phẩm đang lưu để kiểm tra về vi rút và giá trị gen, từ đó làm căn cứ xác định nguyên nhân gây sùi mào gà xem có phải từ một nguồn lây.

Theo Diệu Thu

Dân Việt