Cục An toàn thực phẩm: Hầu hết dầu cá đều gây ăn mòn xốp

(Dân trí) - Chiều 7/1, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết, qua điều tra, 2 lọ dầu cá gây ăn mòn, thủng tấm xốp ở Quảng Ngãi là hàng trôi nổi. Tuy nhiên kiểm nghiệm thực tế 3 loại dầu cá trên thị trường Việt Nam đều gây hiện tượng này.

Hai lọ dầu cá được người dân thông báo tại Quảng Ngãi cũng được xác định là sản phẩm trôi nổi, được người quen mua tại TP Hồ Chí Minh về cho. Kiểm tra không có số công bố, không phải là sản phẩm đã được nhập khẩu chính thống vào Việt Nam và không phải là sản phẩm của Công ty Ngôi Sao Việt.

Mẫu của các loại dầu cá có nguồn gốc khác nhau như từ Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Việt Nam (là hàng có nguồn gốc được cấp phép lưu hành) cũng đã được lấy ngay trong đêm 6/1 để kiểm nghiệm và cho thấy tất cả các loại dầu cá đều ăn mòn xốp. Kết quả kiểm nghiệm cũng chưa phát hiện bất thường về an toàn thực phẩm của các loại dầu cá này.

Về hiện tượng dầu cá ăn mòn xốp có bất thường, gây nguy hiểm cho người sử dụng hay không? Cục An toàn thực phẩm đã liên hệ với các Tổ chức và các chuyên gia quốc tế hàng đầu để tìm hiểu.

Theo đó, dầu cá tự nhiên có chứa các chất béo không ester hóa, nhưng nếu để vậy dầu cá sẽ bị phân hủy. Vì thế để đảm bảo ổn định đồng thời để tạo ra các đặc tính có lợi khác, các loại dầu cá đều được ester hóa.

Với bản chất là chất béo ester hóa như vậy, tất cả các loại dầu cá đều có tác dụng làm tan xốp (thành phần là polystyrene). Thời gian làm tan xốp nhanh hay chậm tùy thuộc vào từng loại dầu cá khác nhau. Trong cơ thể người không có chất polystyrene như xốp nên khi sử dụng dầu cá sẽ không có tương tác như vậy và sẽ không gây bất kỳ ảnh hưởng bào đến sức khỏe người sử dụng, không bào mòn ruột. Dầu cá được cơ thể người hấp thu và chuyển hóa thành những chất có lợi cho cơ thể.

Vì thế, người dân không nên hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn thực phẩm cần mua, sử dụng các loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc xuất xứ.


Thực nghiệm các loại dầu cá trên miếng xốp sau 6 phút do Cục An toàn thực phẩm thực hiện (Ảnh: Hồng Hải)

Thực nghiệm các loại dầu cá trên miếng xốp sau 6 phút do Cục An toàn thực phẩm thực hiện (Ảnh: Hồng Hải)

Ông Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết chưa có mẫu kiểm nghiệm đối với 2 lọ sản phẩm dầu cá omega- 3 của Trung Quốc vì Chi Cục An toàn thực phẩm Quảng Ngãi chưa gửi ra. Tuy nhiên, bản chất của sự việc được phản ánh là dầu cá ăn mòn tấm xốp. Vì thế, qua 3 mẫu được tiến hành thực nghiệm ngay buổi họp nóng chiều 7/1 thì cho thấy các mẫu dầu cá đều gây ăn mòn hộp xốp, mức độ ăn mòn và thời gian ăn mòn là khác nhau.

“Kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm Quốc gia với 3 mẫu dầu cá cũng cho thấy không phát hiện điều gì bất thường từ các mẫu dầu cá này. Tài liệu chính thống của các chuyên gia cũng như vậy, bản chất của quá trình ester là để bảo quản lâu dài hơn, không làm dầu cá bị phân hủy, quá trình này không ảnh hưởng đến sức khỏe con người”, ông Phong cho biết.

Trước câu hỏi, giữa dầu cá tự nhiên và dầu cá ester hóa có gì khác biệt về công dụng, về tác động với sức khỏe con người, ông Phong cho biết: “Dầu cá tự nhiên có chứa các chất béo không ester hóa, nhưng nếu để vậy dầu cá sẽ bị phân hủy. Vì thế để đảm bảo ổn định đồng thời để tạo ra các đặc tính có lợi khác, các loại dầu cá đều được ester hóa. Nhưng việc ester hóa không có nghĩa là dầu cá không còn tự nhiên, mà là để bảo quản, không làm chất béo trong dầu cá bị phân hủy và tác dụng của dầu cá là còn nguyên. Còn nếu không ester hóa, chất béo không ester có thể chưa mất tác dụng ngay từ ban đầu nhưng sẽ mất đi theo thời gian. Vì thế, các loại sản phẩm trên thị trường hầu như đều ester hóa bởi nó không gây hại cho sức khỏe con người, không làm bào mòn ruột mà giữ được chất béo dầu cá tốt hơn”, ông Phong giải thích.

Để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, ông Phong khuyến cáo người tiêu dùng có thể vào website chính thức của Cục An toàn thực phẩm đều có đầy đủ thông tin về công ty, sản phẩm, số công bố để người tiêu dùng có thể so sánh, đối chiếu, biết được đâu là hàng thật, đâu là hàng trôi nổi. Còn để thuận lợi hơn nữa, sắp tới Cục An toàn thực phẩm sẽ phối hợp với một số đơn vị làm công nghệ, người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại di động soi vào mã số vỏ hộp sẽ hiện ra tên công ty, tên sản phẩm, ngày công bố bao nhiêu, số công bố như thế nào, hạn dùng ra sao.

Dưới đây là hình ảnh quá trình dầu cá ăn mòn xốp diễn ra trong khoảng thời gian 6 - 7 phút, kể từ lúc đổ dầu ra tấm xốp:

 


Cán bộ Viện Kiểm nghiện An toàn thực phẩm quốc gia tiến hành thực nghiệm đổ dầu ra tấm xốp. Ảnh: H.Hải

Cán bộ Viện Kiểm nghiện An toàn thực phẩm quốc gia tiến hành thực nghiệm đổ dầu ra tấm xốp. Ảnh: H.Hải

 

Sau khoảng hơn 1 phút bắt đầu có hiện tượng ăn mòn tấm xốp, khác nhau ở mỗi loại dầu cá. Ảnh: H.Hải
Sau khoảng hơn 1 phút bắt đầu có hiện tượng ăn mòn tấm xốp, khác nhau ở mỗi loại dầu cá. Ảnh: H.Hải

 


2 phút tiếp theo. Ảnh: H.Hải

2 phút tiếp theo. Ảnh: H.Hải

 


Sau khoảng 6 phút, miếng xốp đã bị ăn mòn. Theo các chuyên gia và Cục ATTP, hiện tượng ăn mòn xốp là đặc tính của quá trình ester hóa nhằm đảm bảo chất béo trong dầu cá không bị phân hủy. Vào cơ thể người, dầu cá được ester hóa không bào mòn ruột, không gây hại cho cơ thể. Ảnh: H.Hải

Sau khoảng 6 phút, miếng xốp đã bị ăn mòn. Theo các chuyên gia và Cục ATTP, hiện tượng ăn mòn xốp là đặc tính của quá trình ester hóa nhằm đảm bảo chất béo trong dầu cá không bị phân hủy. Vào cơ thể người, dầu cá được ester hóa không bào mòn ruột, không gây hại cho cơ thể. Ảnh: H.Hải

 

Hồng Hải