Cứ ngỡ căn bệnh "ai chẳng bị", bất ngờ khi mắc ung thư dạ dày

Tú Anh

(Dân trí) - Nhiều bệnh nhân ngỡ ngàng khi bác sĩ chẩn đoán ung thư dạ dày. Trước đó, họ không có dấu hiệu gì đặc biệt, chỉ hơi đau bụng, đầy hơi, cho rằng mình bị mắc căn bệnh "ai chẳng bị" là viêm dạ dày.

Cảnh giác dấu hiệu tưởng "bệnh vặt"

PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K cho biết, ung thư dạ dày là tình trạng tăng sinh mất kiểm soát của các tế bào biểu mô tuyến của dạ dày, từ đó hình thành nên khối u tại dạ dày, có thể xâm lấn các cấu trúc xung quanh, thậm chí di căn sang các cơ quan khác của cơ thể.

Đây là một trong số các bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Theo số liệu toàn cầu năm 2020, Ung thư dạ dày đứng thứ 5 trong số các bệnh ung thư thường gặp với hơn 1 triệu người mắc mới, đứng thứ 4 về tỷ lệ tử vong do bệnh ác tính với 770.000 ca.

Tại Việt Nam, Ung thư dạ dày đứng thứ 4 về tỷ lệ mắc mới sau ung thư gan,  ung thư phổi, ung thư vú với gần 18.000 trường hợp. Riêng tại Bệnh viện K mỗi năm bệnh viện thực hiện từ 1.500-2.000 ca phẫu thuật ung thư dạ dày.

Cứ ngỡ căn bệnh ai chẳng bị, bất ngờ khi mắc ung thư dạ dày - 1

Một ca phẫu thuật ung thư dạ dày tại Bệnh viện K (Ảnh: P.V).

Đáng nói, bệnh nhân ung thư dạ dày ở Việt Nam thường được phát hiện muộn, ở giai đoạn 3-4 nên tiên lượng xấu, điều trị khó khăn. 

PGS Bình cho biết, nhiều người có tâm lý ngại đi khám bệnh, ngại đi nội soi. Cứ đau bụng, đầy hơi, khó tiêu họ nghĩ ngay đến viêm dạ dày, căn bệnh mà "ai chẳng bị" nên mua vài liều thuốc về uống, thấy đỡ rồi thôi.

Nhiều người cũng lại chỉ yêu cầu khám nội, không dám nội soi. Trong khi đó, dạ dày là một tạng rỗng, có thể hình dung nó như một quả bóng, vì thế khám bên ngoài sẽ không thể thấy được những tổn thương bên trong.

Trong khi đó, việc siêu âm, chụp dạ dày có cản quang cũng chỉ phát hiện ở một chừng mực nhất định, khi bệnh đã ở giai đoạn muộn do khối u quá lớn.

Vì thế, không có cách nào khác để chẩn đoán ung thư dạ dày là phải làm nội soi. Phương pháp nội soi không chỉ phát hiện mà còn là phương pháp điều trị. 

"Đối với ung thư dạ dày, việc phát hiện sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bệnh nhân mắc ung thư này ở giai đoạn khởi phát sớm chỉ cần phẫu thuật hớt niêm mạc, vẫn giữ nguyên được dạ dày và cơ hội khỏi là 99%", PGS Bình thông tin.

Ai cần tầm soát sớm ung thư dạ dày?

Theo Bác sĩ Hà Hải Nam - Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, ung thư dạ dày thường gặp ở người trên 50 tuổi, tuy nhiên đang có xu hướng trẻ hóa, gặp cả ở những bệnh nhân 40 tuổi.

Cứ ngỡ căn bệnh ai chẳng bị, bất ngờ khi mắc ung thư dạ dày - 2

Bác sĩ thực hiện một ca nội soi dạ dày tầm soát ung thư (Ảnh: P.V).

Đến nay, y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân trực tiếp gây ung thư dạ dày nhưng một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Những người có các yếu tố dưới đây có nguy cơ cao mắc bệnh hơn người khác. Tuy nhiên không có nghĩa có yếu tố nguy cơ sẽ mắc ung thư dạ dày. Việc cần làm là theo dõi định kỳ để kịp thời điều trị, phát hiện bệnh nếu có. 

- Do nhiễm vi khuẩn HP (chiếm khoảng 25-50% số ca mắc bệnh).

- Do chế độ ăn: ăn mặn, các thức ăn có chứa nhiều nitrat, béo phì.

- Do hút thuốc lá, uống rượu.

- Béo phì: Người béo phì dễ mắc ung thư dạ dày hơn người bình thường, nhất là ung thư phần tâm vị.

- Tuổi tác: Càng lớn tuổi nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày càng cao, nhất là sau tuổi 50.

- Giới tính: Nam giới có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao gấp 2 lần nữ giới.

- Di truyền: Khoảng 10% số bệnh nhân ung thư dạ dày do di truyền và có yếu tố gia đình.

Chuyên gia khuyến cáo, mỗi người nên khám đầy đủ sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để kịp thời phát hiện bệnh lý và được điều trị.

Để phát hiện sớm ung thư dạ dày, việc tầm soát bằng nội soi là rất quan trọng. Ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, người 40-45 tuổi bắt đầu thực hiện tầm soát ung thư dạ dày bằng nội soi khoảng 2 năm một lần. Bên cạnh đó còn căn cứ vào các yếu tố nguy cơ để xác định khi nào cần tầm soát, bao lâu tầm soát một lần.

Những nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh lý ống tiêu hóa là tuổi cao (người trên 50 tuổi nên bắt đầu tầm soát nếu không có các yếu tố nguy cơ), nghiện thuốc lá, uống nhiều rượu bia, người có tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày, đại tràng…

Một người vừa nghiện thuốc vừa uống rượu nhiều thì nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa đặc biệt là ung thư thực quản rất cao. Những trường hợp đã phát hiện các tổn thương ở dạ dày như viêm teo nặng phải tầm soát hàng năm.

Những người từng bị chẩn đoán viêm loét dạ dày hay bị các rối loạn tiêu hóa mà điều trị nội khoa lâu không đỡ cũng cần đi nội soi lại để kịp thời phát hiện bệnh nếu có.

Phòng ngừa ung thư dạ dày

- Duy trì chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý, ăn các thức ăn chứa nhiều vitamin A, B, E. hạn chế ăn đồ ăn mặn vì chúng chứa nhiều nitrit và amin thứ cấp khi vào dạ dày sẽ kết hợp thành chất độc nguy cơ gây ung thư.

 - Hạn chế ăn đồ hun khói, nướng, chiên: Qua chế biến các thức ăn này chứa rất nhiều chất độc gây ung thư.

 - Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích: Sử dụng những chất này sẽ gây ra nhiều bệnh ung thư không chỉ riêng ung thư dạ dày.

 - Có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ.

 - Và quan trọng nhất là tầm soát ung thư dạ dày để bảo vệ sức khỏe của mình, nếu được phát hiện sớm căn bệnh này hoàn toàn có thể kiểm soát tốt, chất lượng điều trị hiệu quả rất cao.