Có thể phạt "nguội" người vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng
(Dân trí) - Tỷ lệ phơi nhiễm khói thuốc thụ động tại nước ta còn cao. Theo quy định mới, tại các địa điểm công cộng nếu có điều kiện có thể lắp camera để giám sát, nhắc nhở và phạt "nguội" người hút thuốc lá.
Phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định việc thực hiện địa điểm cấm hút thuốc lá và xét tặng Giải thưởng Môi trường không khói thuốc diễn ra ngày 11/1 tại Hà Nội, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết những năm qua, tình trạng hút thuốc lá thụ động ở các địa điểm công cộng đã giảm một cách rõ rệt, tuy nhiên tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động vẫn còn cao.
Khói thuốc thụ động chứa hàng nghìn các hóa chất, độc hại. Người không hút thuốc nhưng thường xuyên sống, làm việc trong môi trường có khói thuốc lá cũng mắc các bệnh như người hút thuốc.
"Khói thuốc có thể tồn tại ở khắp mọi nơi và đặc biệt không có ngưỡng an toàn khi phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động, gây ảnh hưởng đến cộng đồng mà nạn nhân chủ yếu đa phần là phụ nữ và trẻ em. Phụ nữ phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động chiếm tỷ lệ tới 80%, còn trẻ em là 50%", bà Trang nói.
Theo bà Trang, Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) cho phép tại các địa điểm công cộng nếu có điều kiện có thể sử dụng công cụ ghi hình, lắp camera để giám sát, nhắc nhở và phạt "nguội" các trường hợp hút thuốc lá nơi công cộng. Ngoài ra, các lực lượng chức năng có thể phát hiện hành vi vi phạm qua các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hoặc công nghệ giám sát để tiến hành xử phạt người vi phạm.
Chia sẻ kinh nghiệm thực thi môi trường không khói thuốc của quốc tế, Thạc sĩ Đoàn Thu Huyền, Giám đốc quốc gia tại Việt Nam, Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá, Hoa Kỳ cho biết các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ASEAN đều có quy định cấm các nơi không được phép hút thuốc. Singapore, Hong Kong có quy định cấm hoàn toàn tại các địa điểm công cộng tập trung đông người. Đối với những nơi được phép hút thuốc, các quốc gia cũng quy định rất chặt chẽ và cụ thể về biển báo, diện tích…
Tại Singapore, các khu vực được phép hút thuốc không được đặt tại các lối đi chính, lối đi chung mà đặt ở một khu vực riêng biệt với diện tích không quá 20m2. Tại các khu vực này, cơ sở vật chất cũng đặt ở mức tối thiểu, không có ghế ngồi và trưng bày các sản phẩm truyền thông, đường dây nóng kêu gọi người hút bỏ thuốc.
Đối với Việt Nam, bà Huyền cho rằng cần tập huấn nâng cao năng lực thanh kiểm tra tại các cấp các ngành, thực thi Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng Việt Nam cần theo điều 8 Công ước khung về kiểm soát thuốc lá yêu cầu thực thi môi trường 100% không khói thuốc lá, bởi không có một mức phơi nhiễm nào là an toàn. Việc thực thi này nên được thực hiện toàn diện tại nơi làm việc trong nhà, nơi công cộng trong nhà, trên các phương tiện giao thông công cộng… và cần có quy định bắt buộc bởi việc để tự nguyện sẽ không hiệu quả, có sự giám sát và đánh giá thực hiện.
Theo dự thảo thông tư quy định việc thực hiện địa điểm cấm hút thuốc lá của Bộ Y tế, địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: cơ sở y tế; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em... Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: nơi làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị- xã hội...
Ngoài ra, các địa điểm công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn là nhà hàng, quán cà phê, cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở vui chơi giải trí, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc, câu lạc bộ, nhà thi đấu thể thao, sân vận động có mái che…
Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao gồm khu vực cách ly của sân bay; quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch; phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.