Có thể ngăn ngừa giảm bạch cầu khi hóa trị ung thư không?

Hà An

(Dân trí) - Giảm bạch cầu chỉ là một trong những tác dụng không mong muốn thường gặp của điều trị hóa chất. Bạn không thể ngăn ngừa tình trạng này nhưng có thể giảm nguy cơ nhiễm trùng bằng những việc đơn giản.

Hóa trị là phương pháp sử dụng các loại thuốc mạnh để ngăn chặn ung thư lan rộng, làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư hoặc thậm chí có thể tiêu diệt được các tế bào ung thư. Tuy nhiên khi sử dụng phương pháp này có thể gây ra các tác dụng phụ vì bên cạnh việc tiêu diệt các tế bào ung thư thuốc này còn tiêu diệt các tế bào đang phát triển trong cơ thể của bạn bao gồm tế bào bạch cầu, miệng, hệ tiêu hóa và nang tóc.

Các tế bào bạch cầu có vai trò chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, nấm và các mầm bệnh khác khi xâm nhập vào cơ thể. Khi một người được tiến hành hóa trị ung thư, tác dụng phụ giảm bạch cầu là tình trạng có thể gặp. Điều này sẽ khiến cơ thể khó chống lại mầm bệnh hơn và người bệnh sẽ có nhiều khả năng bị nhiễm khuẩn, gây cản trở đến phác đồ trị liệu ung thư.

Vì vậy người bệnh khi điều trị hóa trị cần biết cách để hạn chế tối đa việc giảm bạch cầu.

Có thể ngăn ngừa giảm bạch cầu khi hóa trị ung thư không? - 1

Khi nào người bệnh có nhiều khả năng bị giảm bạch cầu?

Theo BSCKI. Nguyễn Thành Nam - Phó Trưởng khoa Hóa trị Can thiệp và chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, giảm bạch cầu trung tính thường xảy ra trong khoảng 7-12 ngày sau khi người bệnh được hóa trị. Thời gian này có thể khác nhau tùy thuộc vào hóa trị liệu. Bác sĩ hoặc y tá sẽ cho thông báo khi nào số lượng tế bào bạch cầu của người bệnh có khả năng ở mức thấp nhất. Người bệnh cần theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng trong thời gian này.

Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng?

Đối với người bệnh bị giảm bạch cầu, ngay cả một nhiễm trùng nhỏ cũng có thể nhanh chóng trở nên nghiêm trọng. Bạn cần gặp bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu:

- Sốt 37,5 độ C - 38 độ C hoặc cao hơn.

- Ớn lạnh và đổ mồ hôi.

- Đau họng hoặc đau miệng.

- Khó thở.

- Nghẹt mũi.

- Đau khi đi tiểu.

- Đi tiểu nhiều.

- Đỏ, đau hoặc sưng ở bất kỳ khu vực nào, kể cả vết thương phẫu thuật.

- Tiêu chảy.

- Nôn.

- Đau bụng hoặc trực tràng…

Làm thế nào để ngăn ngừa giảm bạch cầu?

Bạn không thể làm gì nhiều để ngăn ngừa giảm bạch cầu trung tính, nhưng bạn có thể giảm nguy cơ bị nhiễm trùng trong khi số lượng bạch cầu của bạn thấp.

Những điều bạn cần làm:

- Giữ vệ sinh cơ thể, hạn chế tiếp xúc với những người đang mắc bệnh nhiễm trùng (viêm phổi, lao, cảm cúm…).

- Không thực hiện các thủ thuật, can thiệp (răng, thẩm mỹ) trong thời gian bị giảm bạch cầu.

- Duy trì chế độ dinh dưỡng tốt giúp tủy xương nhanh chóng hồi phục cũng như tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Cụ thể, ăn đồ ăn đã nấu chín và ngay sau khi nấu giàu vitamin C, E, A, omega-3 không ăn các món ăn có nguy cơ nhiễm khuẩn cao như rau sống, lòng, tiết canh.

- Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Một giấc ngủ ngon lành, chất lượng sẽ giúp cho tủy xương của bạn có thêm thời gian để hồi phục.

- Tuân thủ chỉ định của bác sĩ: xét nghiệm máu trước, trong và sau các đợt điều trị hóa chất, sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc kích thích sản xuất bạch cầu.

Cần liên lạc với bác sỹ điều trị ngay khi:

- Sốt cao trên 38 độ C.

- Xuất hiện cảm giác ớn lạnh hoặc rét run.

- Xuất hiện các dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng.

Cần hiểu rằng hạ bạch cầu chỉ là một trong những tác dụng không mong muốn thường gặp của điều trị hóa chất, theo dõi sát xét nghiệm máu theo chỉ định của bác sĩ và thực hiện tốt những hướng dẫn ở trên thì việc điều trị hóa chất sẽ thuận lợi và mang lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị.   

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm