Lưu ý về chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư khi hóa trị
(Dân trí) - Hóa trị ung thư có thể gây nên các vấn đề có liên quan tới dinh dưỡng như bất thường khẩu vị, viêm thực quản, buồn nôn, nôn và mệt mỏi, thiếu máu, chức năng hệ miễn dịch giảm sút.
Hóa trị liệu là biện pháp điều trị hệ thống gây ảnh hưởng toàn bộ cơ thể. Hoạt động của các hóa chất điều trị không chỉ giới hạn với mô ung thư mà còn ảnh hưởng đến các tế bào bình thường, do vậy gây độc ở nhiều cơ quan, ảnh hưởng đến khẩu phần ăn và chế độ dinh dưỡng. Tác dụng phụ này phụ thuộc vào từng loại hóa chất, liều, thời gian điều trị, các thuốc dùng kèm và đáp ứng của từng cơ thể.
Buồn nôn và nôn thường gặp khi điều trị các thuốc chống ung thư.
Thực tế là mặc dù chăm sóc hỗ trợ tích cực nhưng nhiều bệnh nhân vẫn bị tác dụng phụ của hóa chất, đặc biệt phụ thuộc vào liều hóa trị liệu.
Bất thường vị giác thường dẫn đến biếng ăn và ăn rất ít, ỉa chảy hoặc táo bón, hay tắc ruột. Các triệu chứng ngộ độc dạ dày, ruột thường không kéo dài, tuy nhiên một số trường hợp điều trị phối hợp nhiều hóa chất có thể gây nặng và kéo dài. Khi điều trị corticosteroid gây ra phá hủy mô, tăng mất protein, kali và canxi qua nước tiểu, rối loạn chuyển hóa protein....
Hóa trị liệu hoặc xạ trị ở vùng đầu - cổ có thể gây ra sự giảm tiết nước bọt và dẫn đến khô miệng, góp phần làm tình trạng chán ăn càng trầm trọng.
Trong những trường hợp này, cần lưu ý:
- Nên ăn thức ăn mềm hoặc chế biến nhiều nước, nhai kẹo cao su hoặc ăn thêm hoa quả chua lượng vừa phải nhằm tăng tiết nước bọt.
- Tránh ăn nhiều đường.
- Sử dụng đồ tráng miệng ướp lạnh ít.
- Vệ sinh răng miệng và súc miệng nước muối tối thiểu 4 lần trong một ngày.
- Uống nhiều nước và uống từng ngụm trong vài phút.