Có những dấu hiệu này, ung thư tuyến tiền liệt đã lan tràn trong cơ thể

Hà An

(Dân trí) - Rất nhiều trường hợp ung thư tiền liệt tuyến không có triệu chứng lâm sàng. Khi thấy đau lưng dưới, đau hông, tiểu buốt, tiểu đêm nhiều lần, gãy xương… có thể là bệnh đã tiến triển.

Ung thư tuyến tiền liệt là gì?

Tuyến tiền liệt chỉ có ở nam giới, tuyến này nằm ngay dưới bàng quang, nối liền với niệu đạo. Các tuyến ở trong mô tuyến tiền liệt tạo ra các chất dịch màu trắng, khi quan hệ tình dục tuyến này sẽ đẩy chất dịch này xuống niệu đạo, tạo thành tinh dịch.

Ung thư tiền liệt tuyến hay còn được gọi là ung thư tuyến tiền liệt, là dạng ung thư phát triển trong tuyến tiền liệt ở nam giới. Các tế bào ung thư này trở nên nguy hiểm hơn khi di căn sang các bộ phận khác, đặc biệt là di căn vào xương hoặc vào các hạch bạch huyết.

Có những dấu hiệu này, ung thư tuyến tiền liệt đã lan tràn trong cơ thể - 1

Những ai dễ mắc ung thư tuyến tiền liệt  

Theo bác sĩ Bệnh viện K Trung ương, nguyên nhân gây bệnh ung thư tiền liệt tuyến chưa được xác định rõ. Tuy nhiên nam giới trong độ tuổi sinh sản là những người có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt cao nhất. Ung thư tiền liệt tuyến thường gặp ở những người: có tiền sử người thân trong gia đình mắc ung thư tuyến tiền liệt, những người béo phì, người thường xuyên ăn đồ ăn nhanh giàu chất béo, người thường xuyên sử dụng nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.

Dấu hiệu của bệnh

Rất nhiều trường hợp ung thư tiền liệt tuyến không có triệu chứng lâm sàng, người bệnh có thể phát hiện khi đi khám kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Một số triệu chứng thường gặp: Đái khó, đái nhiều lần; Bí đái, đái không tự chủ; Đái vội, tia đái nước nhỏ. 

Khi bệnh đã tiến triển, lan tràn, bệnh nhân có thể gặp một số triệu chứng sau:

- Đau lưng dưới, đau hông, đùi, đau hơn khi đã di căn vào xương.

- Cơ thể thường xuyên đau nhức, mệt mỏi, ăn không ngon miệng dẫn đến tụt cân không kiểm soát.

- Đau vùng bụng, đi tiểu khó khăn khi bị buốt hoặc rát, thậm chí không thể đi tiểu.

- Tiểu đêm nhiều lần, nước tiểu đục và có máu

- Cương dương bị rối loạn, khó duy trì cương dương khi giao hợp.

- Các vấn đề về đường ruột, đặc biệt là bị táo bón nặng.

- Có thể gãy xương khi ung thư đã di căn vào xương

Có những dấu hiệu này, ung thư tuyến tiền liệt đã lan tràn trong cơ thể - 2

Điều trị ung thư tiền liệt tuyến

Ung thư tuyến tiền liệt có thể chữa khỏi ở giai đoạn đầu. Ở giai đoạn đầu, khi bệnh còn nhẹ, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ các tế bào ung thư tận gốc; sau đó tiến hành xạ trị, cắt bỏ tuyến hạch huyết ở vùng chậu. Kết hợp quá trình điều trị tích cực thì bệnh nhân có thể chữa khỏi bệnh.

Khi ung thư đã chuyển sang giai đoạn muộn, khả năng thành công khi điều trị sẽ thấp hơn nhiều. Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối gồm hóa trị, xạ trị, điều trị nội tiết tố, phẫu thuật cắt đi tuyến tiền liệt.

Tại Việt Nam phần lớn bệnh nhân đến viện được chẩn đoán đã ở giai đoạn muộn, bệnh đã di căn xa. Các vị trí di căn hay gặp của ung thư tiền liệt tuyến là xương, hạch ổ bụng, phổi, gan, hiếm khi di căn não.

Mục tiêu chính trong điều trị bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn di căn là cải thiện các triệu chứng hiện tại của người bệnh, đảm bảo chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

Điều trị ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn di căn chia ra:

- Liệu pháp cắt tinh hoàn: Liệu pháp ức chế Androgen có vai trò cơ bản trong điều trị ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn di căn. Hầu hết các bệnh nhân ở giai đoạn di căn xa nên được bắt đầu bằng cắt tinh hoàn ngoại khoa hoặc bằng thuốc đồng vận LHRH (Gosereline, Triptoreline, Leuprorelin acetate) hoặc đối vận LHRH (Degarelix). Liệu pháp nội tiết kết hợp cắt tinh hoàn và thuốc kháng androgen được áp dụng tùy từng trường hợp, không áp dụng thường quy. Những trường hợp có nguy cơ bùng phát các triệu chứng khi dùng thuốc đồng vận LHRH cần điều trị trước bằng thuốc kháng androgen ít nhất 1 tuần.

Những bệnh nhân giai đoạn di căn, nguy cơ cao (di căn tạng và hoặc di căn xương 4 vị trí, trong đó ít nhất một vị trí ngoài xương trục, xương chậu) cần điều trị kết hợp với hóa chất docetacel, thuốc kháng androgen, thuốc ức chế tổng hợp androgen thế hệ mới abiraterone acetate.

- Kháng liệu pháp cắt tinh hoàn:

Dù phần lớn người bệnh nhạy cảm với cắt tinh hoàn, tuy nhiên bệnh gần như luôn luôn tiến triển thành kháng cắt tinh hoàn. Các phương pháp có thể lựa chọn ở giai đoạn kháng cắt tinh hoàn: liệu pháp kháng Androgen (bổ sung thêm các thuốc kháng androgen- bicalutamide, flutamide, nilutamide), hoặc thuốc ức chế tổng hợp androgen thế hệ mới abiraterone acetate, enzalutamide.

Bệnh nhân cũng có thể kết hợp hóa trị, dược chất phóng xạ, điều trị miễn dịch và các thuốc ức chế PARP.