Các phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt

Hà An

(Dân trí) - Khám tuyến tiền liệt bằng tay, xét nghiệm máu PSA, siêu âm qua đường bụng… có thể giúp chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt.

- Khám tuyến tiền liệt bằng tay qua trực tràng có thể phát hiện thấy tiền liệt tuyến có nhân rắn, các thùy không đối xứng, mật độ không đều hoặc tiền liệt tuyến rắn chắc không còn ranh giới rõ ràng với tổ chức xung quanh.

- Xét nghiệm máu PSA

PSA là một loại kháng nguyên đặc hiệu của tiền liệt tuyến (PSA trong máu bình thường thay đổi từ 0 - 4 nanograms/ml). PSA do các tế bào tuyến tiền liệt tiết ra, đặc biệt là các tế bào ung thư tuyến tiền liệt tiết ra rất nhiều PSA trong máu bệnh nhân. 

Các phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt - 1
Chỉ số PSA được đánh giá là bước đột phá trong việc phát hiện ung thư tiền liệt tuyến.

Phần lớn PSA trong máu đều gắn với protein huyết tương. Chỉ có khoảng 30% ở dạng tự do. Vì vậy PSA được coi là dấu ấn của ung thư tuyến tiền liệt. Giá trị bình thường của PSA dưới 4 ng/ml. Khi PSA trên 10 ng/ml thì thật sự có bất thường và phải kiểm tra tuyến tiền liệt ngay. Từ 4 - 10 ng/ml là giá trị trung gian cần phải theo dõi thường xuyên (cần đánh giá thêm tỷ lệ PSA tự do/ PSA toàn phần, < 15% nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt là rất cao). 

Tuy nhiên, PSA toàn phần sẽ gia tăng trong trường hợp có bệnh lý ở tiền liệt tuyến như viêm, phì đại nhưng thường gặp nhất trong ung thư và tăng theo tuổi. PSA là xét nghiệm tương đối chính xác trong các xét nghiệm hiện nay về ung thư, có thể đánh giá chính xác về ung thư tuyến tiền liệt. 

Nếu xét nghiệm PSA được thực hiện rộng rãi trong sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt, rất có thể sẽ tăng tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt phát hiện ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, 10-20% ung thư tuyến tiền liệt lại có trị số PSA bình thường nên thường phải kết hợp thêm những phương pháp khác. 

- Siêu âm qua đường bụng hoặc siêu âm nội trực tràng: sẽ có tác dụng chẩn đoán tương đối đặc hiệu. 

- Sinh thiết tuyến tiền liệt: là xét nghiệm quan trọng nhất để chẩn đoán một trường hợp mắc ung thư tuyến tiền liệt hay không, được chỉ định khi kết quả sàng lọc nghi ngờ có sự tồn tại của ung thư tiền liệt tuyến. Sinh thiết tuyến tiền liệt giúp đánh giá độ biệt hóa tế bào qua vi thể. Độ biệt hóa có ý nghĩa tiên lượng rất rõ rệt. Tỷ lệ di căn hạch chiếm khoảng 20-30% các ung thư tiền liệt tuyến, tuy nhiên ung thư tuyến tiền liệt hay di căn vào xương, di căn vào phổi và đôi khi gặp di căn vào gan.

Một số xét nghiệm khác giúp chẩn đoán giai đoạn bệnh như: chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chụp xạ hình xương, chụp PET/CT.