1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cô gái ở TPHCM suýt chết vì lý do bất ngờ khi uống thuốc hạ sốt

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bất cẩn khi uống thuốc hạ sốt, cô gái 28 tuổi ở TPHCM phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau, tức ngực, nguy cơ thủng thực quản đe dọa tính mạng.

Đó là trường hợp của chị N.T.H. (28 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) được người thân đưa đến một bệnh viện ở TPHCM cấp cứu.

Khai thác bệnh sử, sau khi uống thuốc hạ sốt, H. cảm thấy cổ họng như có vật gì vướng vào. Lúc đầu, cô gái nghĩ do viên thuốc to nên vướng, nhưng vài phút sau, tình trạng diễn tiến thành cơn đau tức giữa ngực. Cô gái không dám cử động mạnh, không dám nuốt nước bọt, ra dấu hiệu nhờ người thân đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Thấy người bệnh lo lắng, không dám nói chuyện, chỉ vào ngực như than đau, bác sĩ cấp cứu nghi ngờ H. nuốt dị vật, nên chỉ định nội soi thực quản. Kết quả đúng như dự đoán, thực quản bệnh nhân đã bị xước vì có vỏ thuốc đang mắc kẹt.

Cô gái ở TPHCM suýt chết vì lý do bất ngờ khi uống thuốc hạ sốt - 1

Dị vật vướng và gây xước thực quản, nguy cơ nhiễm trùng, đe dọa tính mạng bệnh nhân nếu xử lý muộn (Ảnh: BV).

Lập tức, bệnh nhân được nội soi khẩn cấp để lấy dị vật là vỏ thuốc có chiều dài gần 2cm, hình vuông, cứng và các cạnh sắc nhọn, còn nguyên viên thuốc ở trong. Dị vật mắc kẹt tại thực quản, nếu không được xử lý kịp thời có thể làm rách hoặc thủng thực quản, gây nhiễm trùng đường tiêu hóa, nguy hiểm đến tính mạng.

Sau khi được nội soi lấy vỏ thuốc ra ngoài, chị H. mới nhớ lại vì sốt và mệt nên khi lấy nhiều thuốc hạ sốt đã không chú ý, uống luôn cả viên thuốc còn vỏ.

Ngoài gắp dị vật, bác sĩ cũng kê cho bệnh nhân thuốc uống chống viêm nhiễm. Khi xuất viện, chị H. được dặn dò về nhà dùng thức ăn lỏng mềm và theo dõi sát các triệu chứng của cơ thể. Nếu có tình trạng buồn ói, nôn ói, đau ngực, đau bụng cần đến bệnh viện để được xử lý.

Cô gái ở TPHCM suýt chết vì lý do bất ngờ khi uống thuốc hạ sốt - 2

Hình ảnh viên thuốc còn nguyên vỏ có hình các cạnh sắc nhọn bị bệnh nhân nuốt phải (Ảnh: BV).

Theo bác sĩ Phan Tuấn Trọng, dị vật đường tiêu hóa là một trong những cấp cứu thường gặp, bao gồm đồ ăn, xương cá, tăm, đinh, viên bi… và thường mắc kẹt ở thực quản. Người bị hóc dị vật đường tiêu hóa sẽ có các triệu chứng như, nuốt vướng, đau khi nuốt, không ăn uống được, nôn khi cố gắng ăn, khó thở, tức ngực, đau nóng rát ở xương ức.

Việc ăn uống quá nhanh, vội vàng, vừa ăn vừa trò chuyện, nhai không kỹ, vừa ăn vừa xem điện thoại... cũng là nguyên nhân gây hóc dị vật đường tiêu hóa. Hóc dị vật cũng có nhiều nguyên nhân khác nhau ở từng đối tượng, như người lớn tuổi do không thể cắn xé thức ăn lớn, dai, với trẻ em thì tò mò thích bỏ mọi thứ vào miệng, hay do thói quen ngậm tăm tre…

Để phòng tránh hóc dị vật đường tiêu hóa, bác sĩ khuyến cáo người dân nên tập trung khi ăn uống, nhai kỹ, nuốt chậm, chia thức ăn thành miếng nhỏ, không uống thuốc vội vàng.

Khi hóc dị vật đường tiêu hóa, cần đến cơ sở y tế xử lý ngay, tránh các biến chứng nặng như, rách, thủng đường tiêu hóa gây chảy máu, tạo ổ áp xe, nhiễm trùng lan rộng đến cơ quan xung quanh như phổi và tim, nguy hiểm đến tính mạng.