Cô gái “Iron woman” của Việt Nam: Bước đi bằng xương đùi kim loại
(Dân trí) - Sau 2 lần phẫu thuật, cô nữ sinh 24 tuổi ở Thanh Hóa đã có thể bước những bước đầu tiên bằng chân có xương đùi kim loại. Cô gái mắc ung thư xương có độ ác tính cao.
Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội) vừa thực hiện thành công ca đại phẫu thay toàn bộ xương đùi bao gồm thay khớp háng và khớp gối toàn phần cho cô gái 24 tuổi. Bệnh nhân là Lê Thị H, quê ở Quảng Yên, Quảng Xương, Thanh Hóa, là sinh viên năm cuối khoa Tài chính kế toán của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Cô gái đã trở thành người đầu tiên tại Việt Nam bước đi bằng chân có xương đùi kim loại.
“Em đã khóc rất nhiều khi biết mình bị bệnh nặng. Rất lâu rồi em không được đi lại, nên lúc bước đi bước đầu tiên, em đã không cầm được lòng. Em không dám tin là mình còn chân, khi cử động được ngón chân, em mới biết đây là sự thật”, cô nữ sinh chia sẻ sau khi bước những bước đi đầu tiên.
Ung thư xương có độ ác tính cao
Một năm gần, thỉnh thoảng cô nữ sinh lại thấy đau dọc theo thân xương đùi phải, đau tăng lên vào buổi tối hay khi vận động nặng. Trong khi đó, nhìn bề ngoài chân phải của cô không bị sưng đau hay biến dạng, tầm vận động của gối hoàn toàn bình thường.
Cô gái trẻ đã đi khám tại một số cơ sở y tế nhưng không phát hiện ra bệnh. Trong một lần tình cờ về quê, cô đến bệnh viện tỉnh chụp Xquang xương đùi thì bác sĩ phát hiện có hình ảnh bất thường ở đầu dưới xương đùi. Cô được chuyển lên bệnh viện tuyến cao hơn.
Xương đùi là xương dài nhất và nặng nhất của cơ thể, chịu trọng lực của toàn bộ cơ thể khi cơ thể đi lại và vận động. Xương đùi cũng trực tiếp tham gia vào cấu tạo của khớp háng và khớp gối – hai khớp lớn và cũng phức tạp nhất cơ thể. Khi xương đùi có vấn đề không thể bảo tồn được (như bị ung thư) thì thay toàn bộ xương đùi là điều “không tưởng”.
Osteosarcoma hay ung thư xương có mức độ ác tính cao là kết quả cô nữ sinh nhận được khi được làm chẩn đoán giải phẫu bệnh tại Bệnh viện K Trung ương vào tháng 6/2019. Nghiêm trọng hơn khi ung thư xương đã lan toàn bộ xương đùi, mặc dù cô đã phát hiện tương đối sớm.
Khác với các ca ung thư khác là chỉ ung thư ở một phần của xương, trường hợp này cả phần dưới và phần trên xương đùi đều được xác định là có dấu hiệu của hình ảnh ung thư xương. Vì thế, phác đồ điều trị là hoàn toàn khác so với các ca đã thay khớp được thực hiện trước đó. Theo các bác sĩ việc thay cả một xương lớn và liên quan trực tiếp đến hai khớp lớn của cơ thể thì không dễ dàng thực hiện.
PGS.TS Trần Trung Dũng đã được mời hội chẩn với toàn hội đồng chuyên môn của Bệnh viện K Tân Triều. PGS Dũng đã đưa ra phương án cắt toàn bộ khối xương đùi bị ung thư và thay thế bằng xương đùi kim loại cho bệnh nhân. Việc quan trọng đầu tiên là phải điều trị hóa chất để khối u nhỏ lại.
Ca đại phẫu thuật này có 2 thì: cắt u diện rộng và đặt cement xương giữ khoảng. Hóa chất thêm 6 đợt theo phác đồ điều trị ung thư xương. Thì hai là tiến hành thay toàn bộ xương đùi.
Ca phẫu thuật thay toàn bộ xương đùi
Sau khi vào viện 3 tháng, ngày 17/10/2019, cuộc phẫu thuật thì đầu đã được diễn ra để cắt nửa dưới xương đùi, nơi mà khối u phát triển nhất, đặt cement xương giữ không gian cho xương đùi nhân tạo phẫu thuật thì 2 sẽ diễn ra sau đó 4 tháng.
Ngày 2/3 vừa qua, PGS Trần Trung Dũng cùng với ekip Bệnh viện K Tân Triều, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Xanh Pôn đã thực hiện thành công thì thứ hai của ca phẫu thuật: thay toàn bộ xương đùi bên phải cho bệnh nhân H.
Ca mổ đã được thực hiện trong vòng 3 tiếng đồng hồ, toàn bộ xương đùi ung thư đã được lấy ra để thay xương đùi bằng dụng cụ kim loại. Đồng thời thay khớp háng và khớp gối toàn phần và khâu phục hồi lại các điểm bám gân cơ.
“Ca mổ đã diễn ra khẩn trương và an toàn, toàn bộ xương ung thư của bệnh nhân H đã được lấy ra hết và thay toàn bộ bằng xương đùi kim loại. Lượng máu mất không nhiều. Sau mổ bệnh nhân sẽ sớm hồi phục, giữ được chức năng của chi và có thể vận động sớm được”, PGS Trần Trung Dũng chia sẻ:
Theo PGS Dũng đây là một ca phẫu thuật lớn và khó, để đảm bảo chức năng của xương và khớp háng và gối, cần sự đặt dụng cụ chính xác đến từng cm. Nếu không sẽ dễ dẫn đến ngắn chi, đồng thời phải khâu phục hồi lại khối cơ mông và đùi như giải phẫu ban đầu để tạo độ vững cho khớp háng và gối, tránh trật khớp về sau.
Đồng thời, việc đảm bảo cắt hết khối u, vô khuẩn dụng cụ và kiểm soát lượng máu mất của bệnh nhân cũng là các việc làm vô cùng quan trọng được thực hiện trong phẫu thuật.
Điều trị thành công cho bệnh nhân này là công sức của cả một tập thể, từ khâu chẩn đoán, điều trị hóa chất và xạ trị đến gây mê hồi sức, phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu sau phẫu thuật.
3 ngày sau mổ, vết thương của bệnh nhân H khô, không chảy dịch, còn đau ít vết mổ. Cô nữ sinh đã có thể ngồi dậy và nói chuyện với mọi người khá thoải mái.
Chiều 6/3, PGS Trần Dũng cùng ekip đã trực tiếp xuống Bệnh viện K Tân Triều để hướng dẫn tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân. Bên chân phẫu thuật của cô gái đã gấp được 50 độ, duỗi được thẳng chân. Đáng mừng hơn là bệnh nhân đã có thể bước đi những bước đi đầu tiên. Cả ekip phẫu thuật vô cùng phấn khởi và gọi bệnh nhân H với biệt danh mới “Iron woman”.
Bước đi là một điều bình dị đối với tất cả mọi người, nhưng với bệnh nhân H, 4 tháng nay cô không thể thực hiện được điều đó. Mặc dù vẫn cần thời gian để tập phục hồi chức năng và điều trị thêm hóa chất, nhưng H và bố mẹ đặt hi vọng vào tương lai phía trước của cô.
Biến chứng hay gặp của phẫu thuật thay toàn bộ xương đùi là mất máu, sự lỏng khớp do phần mềm, nhiễm trùng khớp hoặc phần mềm, lệch chiều dài chi, hỏng bộ khớp, trật khớp háng và gối,…. Ở châu Á nói chung, khu vực Đông Nam Á nói riêng, thì rất rất ít nước có thể thực hiện được ca phẫu thuật thay toàn bộ xương đùi. Ở Việt Nam thì chưa có ca phẫu thuật nào thay toàn bộ xương đùi tương tự.
Thay toàn bộ xương đùi là một ca phẫu thuật đại phẫu, là ca phẫu thuật được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam. Đây chính là khởi đầu cho việc bảo tồn chi thể cho các bệnh nhân bị ung thư xương nói chung, ung thư xương đùi nói riêng.
Nam Phương