Đau âm ỉ cẳng chân, chàng trai 24 tuổi bất ngờ được chẩn đoán ung thư xương
(Dân trí) - Mới đầu các cơn đau chỉ âm ỉ vùng cẳng chân trái, càng về sau bệnh nhân càng đau nhiều hơn, gần như không ngủ được. Đi khám, anh được chẩn đoán bị ung thư xương.
Bệnh nhân là anh Nguyễn Văn H, 24 tuổi. Khoảng 1 năm nay, bệnh nhân thỉnh thoảng xuất hiện đau âm ỉ vùng cẳng chân trái. Gần đây các cơn đau đến nhiều hơn, cảm giác như kiến bò trong xương rất khó chịu. Bệnh nhân thường xuyên gần như không ngủ được, phải dùng đến nhiều loại giảm đau kết hợp và thuốc ngủ.
Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) và được chẩn đoán ung thư xương (Chondrosarcoma).
Với loại tổn thương này hóa xạ, trị rất ít tác dụng. Phẫu thuật là lựa chọn gần như duy nhất. Tuy nhiên mức độ lan rộng tổn thương tại xương chày là rất lớn. Để loại bỏ triệt căn khối u cần phải cắt toàn bộ 2/3 trên xương chày. Do đó bệnh nhân đối diện nguy cơ phải cắt cụt 1/3 dưới xương đùi.
Bệnh nhân nam mới 24 tuổi chưa có gia đình, không dễ để chấp nhận việc cắt cụt đùi. Với mong muốn được phẫu thuật đảm bảo triệt căn khối u đồng thời bảo tồn chi thể của bệnh nhân.
PGS Trần Trung Dũng, Đại học Y Hà Nội và các cộng sự lên phương án phẫu thuật cho bệnh nhân.
Theo PGS Dũng, khó khăn mà ekip phẫu thuật đối diện đó là tạo hình lại khuyết hổng xương rất lớn, khuyết 2/3 trên xương chày sau khi cắt bỏ u. Đặc biệt là tạo hình phục hồi lại điểm bám và chức năng gân bánh chè. Khi khâu gân bánh chè vào khớp nhân tạo sẽ không tạo được sự kết dính, sau một thời gian khi đứt chỉ khâu sẽ nhổ toàn bộ diện bám gân bánh chè làm cho khớp gối không duỗi được.
Phương án được đưa ra là chuyển vạt cân cơ sinh đôi trong che phủ diện bám gân bánh chè, giúp gân bánh chè có sự kết dính bền vững, chức năng khớp gối được đảm bảo. Đồng thời xác định chính xác các thông số về kích thước u, đoạn xương cần phải cắt, kích thước khớp gối dưới định dạng 3D.
Nhóm phẫu thuật đã yêu cầu nhà sản xuất tạo được khớp và đoạn kim loại thay thế khuyết xương phù hợp với bệnh nhân. Điều này giúp ca mổ thuận lợi, thành công đảm bảo vừa phẫu thuật triệt căn khối vừa phục hồi chức năng khớp gối tốt nhất.
Ca phẫu thuật diễn ra vào ngày 27/2. Ekip phẫu thuật gồm PGS.TS Trần Trung Dũng (Đại Học Y Hà Nội), các bác sĩ Nguyễn Trần Quang Sáng, Trần Đức Thanh, Trần Tuấn Anh, Hoàng Minh Sâm (Bệnh viện K), Phạm Sơn Tùng, Lê văn Nam (Bệnh viện Xanh Pôn), bác sĩ gây mê TS Trần Đức Thọ…
4 ngày sau mổ, bệnh nhân đỡ đau vết mổ, gối gấp 30 độ. Bệnh nhân đang được hướng dẫn phục hồi chức năng và chăm sóc sau mổ.
PGS Dũng đánh giá đây là ca mổ thành công, sẽ khôi phục được chức năng khớp gối, giúp bệnh nhân có thể đi lại bình thường, sớm xuất viện và quay trở lại cuộc sống.
Với bệnh ung thư xương, vị trí tổn thương của khối u càng xa trung tâm thì tiên lượng có vẻ càng tốt. Lý do vì khả năng loại bỏ khối u về mặt phẫu thuật càng dễ dàng. Ngoài ra, khả năng di căn, đặc biệt đến những cơ quan quan trọng như phổi gây nguy hiểm đến tính mạng có vẻ như chậm hơn, PGS Dũng cho biết.
Trong điều trị, việc loại bỏ khối u có lẽ là giải pháp tối đa thậm chí triệt căn. Tuy nhiên khác với các khối u ở các cơ quan khác của cơ thể, việc loại bỏ một khối u ở chi thể theo nguyên tắc triệt căn là cắt cụt sẽ để lại những hệ luỵ về mặt tâm thần và xã hội không chỉ cho bệnh nhân mà cả cho người thân.
Vì thế, trong phẫu thuật các bác sĩ sẽ phải cân nhắc toàn diện tất cả yếu tố về bệnh học, tâm lý, chất lượng cuộc sống…
Một khối ung thư của xương chày có thể dễ dàng loại bỏ bằng phẫu thuật cắt cụt đảm bảo nguyên tắc triệt căn nhưng sẽ để lại những hệ luỵ sâu sắc về mặt tâm sinh lý của bản thân bệnh nhân và gia đình. Việc bảo tồn chi thể sau khi loại bỏ khối u là một bước tiến quan trọng không chỉ trong điều trị khối u mà là cả cuộc sống của bệnh nhân.
Những bằng chứng thuyết phục về theo dõi xa của các nhóm bệnh nhân cắt cụt chi hoặc cắt u rộng rãi và bảo tồn chi thể đảm bảo nguyên tắc cho thấy không có sự khác biệt về tỷ lệ tái phát, di căn, thời gian sống thêm.
Nam Phương