Cô gái 22 tuổi bị đột quỵ sau khi ngủ dậy

(Dân trí) - Thức giấc vào sáng sớm, cô gái trẻ có biểu hiện chóng mặt, nôn ói, méo miệng… phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ xác định, bệnh nhân bị đột quỵ nhưng chưa tìm ra được nguyên nhân.

Nữ bệnh nhân V.T.T.N. (22 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM) vừa được người nhà chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn vì những biểu hiện bất thường của cơ thể.

Nữ bệnh nhân bị nhồi máu não nhưng không có tiền sử các bệnh lý liên quan
Nữ bệnh nhân bị nhồi máu não nhưng không có tiền sử các bệnh lý liên quan

Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía người bệnh và thân nhân ghi nhận, sau khi ngủ dậy T.N. thấy chóng mặt nhiều, nôn ói kèm các triệu chứng tê vùng mặt bên trái, tay chân bên trái khó điều khiển, di chuyển không được méo miệng, nói đớ.

Kết quả chụp MRI não cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu tiểu não - cuống não, còn trong “thời gian vàng” điều trị. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch giúp làm tan máu đông, lưu thông mạch máu. Ngày 9/11, thông tin từ bệnh viện cho biết, sau khi sử dụng thuốc bệnh nhân đã hồi phục, hết nói đớ, giảm tê vùng mặt và cử động tay chân dễ dàng hơn.

Các bác sĩ đã nỗ lực tìm kiếm nguyên nhân gây ra tình trạng đột quỵ ở người bệnh để có giải pháp hỗ trợ điều trị, phòng ngừa về sau tuy nhiên cô gái trẻ hoàn toàn không có tiền sử các bệnh gây nguy cơ đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch. Việc xét nghiệm máu, siêu âm để tìm nguyên nhân nhồi máu não đang được bệnh viện tiếp tục thực hiện.

Nếu có các dấu hiệu trong quy tắc F.A.S.T bệnh nhân cần nhập viện càng sớm càng tốt
Nếu có các dấu hiệu trong quy tắc F.A.S.T bệnh nhân cần nhập viện càng sớm càng tốt

BS Trương Việt Trung, Khoa Nội thần kinh cho hay: Đột quỵ thường hay xảy ra ở người lớn tuổi, tuy nhiên hiện nay số người dưới 25 tuổi bị đột quỵ được ghi nhận ngày càng nhiều, nữ bệnh nhân trên là trường hợp điển hình. Xu hướng trẻ hóa bệnh nhân đột quỵ có thể là do stress, thói quen ăn uống nhiều muối, chất béo, hút thuốc lá, rượu bia…

Để hạn chế nguy cơ nhồi máu não, cộng đồng cần xây dựng lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên. Đối với những bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp hay rối loạn lipid máu… cần điều trị tốt và lưu ý các triệu chứng bệnh để điều trị kịp thời.

Những trường hợp có biểu hiện nhồi máu não, bệnh nhân cần được nhập viện càng sớm càng tốt, trong “thời gian vàng” (khoảng 4 - 5 tiếng kể từ khi có triệu chứng). Người nhồi máu não nếu được nhập viện, điều trị sớm sẽ giảm thương tật sau đột quỵ, cải thiện chất lượng sống. Việc sơ cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân cần tránh sử dụng các hướng dẫn lan truyền trên mạng như: chích máu đầu ngón tay, nặn chanh vào miệng, uống thuốc không rõ loại… sẽ làm mất thời gian vàng của người bệnh.

Cứu sống một người đàn ông bị điện giật ngưng tim

Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Minh Hải (tỉnh Cà Mau) vừa cứu sống một bệnh nhân bị điện giật ngưng tim.

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Minh Hải cho biết, ngày 7/11, trong lúc đang hàn sắt, anh N.P.Đ. (31 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) bị điện giật bất tỉnh và té đập đầu xuống nền xi măng.

Anh Đ. được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Minh Hải trong tình trạng ngưng tim, thở yếu, da tái nhợt và bị bỏng trên tay.

Các bác sĩ đã tiến hành đặt nội khí quản, ấn tim ngoài lồng ngực và sốc điện, sau khoảng 5 phút thì tim của anh Đ. đập trở lại, qua cơn nguy kịch.

Anh Đ. đang điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: CTV)
Anh Đ. đang điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: CTV)

Anh Đ. chia sẻ: “Trong cái rủi có cái may, do nơi xảy ra tai nạn cũng gần với bệnh viện nên được bác sĩ kịp thời cấp cứu, chứ nếu không chắc tôi khó qua khỏi”.

Theo bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Minh Hải, những trường hợp bị điện giật nặng, đầu tiên nạn nhân bị rung thất, sau đó tim ngừng hoạt động và chết trong tình trạng bị thiếu oxy não, hoặc cũng có thể chết do điện giật trên cao té ngã gây chấn thương nặng.

Vân Sơn - Giang Hải Yến