Chuyên gia truyền nhiễm lý giải ca mắc, tử vong do sốt xuất huyết tăng vọt
(Dân trí) - GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam lý giải, năm nay lưu hành nhiều loại muỗi truyền bệnh, nhiều túyp virus dengeu nên dịch bùng phát nặng nề hơn.
Sáng 25/11, tại Hội nghị khoa học năm 2022 do Bộ Y tế và Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức, trình bày tham luận về bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi thời gian gần đây, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam đánh giá, số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết ở nước ta tăng mạnh trong năm nay.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 314.271 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 115 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (64.172/24) số mắc tăng 4,9 lần, số tử vong tăng 91 trường hợp.
Hiện nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 12.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, số mắc tương đương năm 2019, cao vượt ngưỡng nguy cơ dịch so với số mắc trung bình trong 3 năm từ 2019-2021 nhưng vẫn thấp hơn số mắc năm 2017 (là năm có dịch sốt xuất huyết bùng phát).
Bộ Y tế cũng nhận định đây đang là thời gian cao điểm của dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội, dự báo dịch có thể tiếp tục gia tăng trong cuối tháng 11 và sẽ giảm vào tháng 12.
Theo GS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng gia tăng số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết.
"Trong đó, năm nay lưu hành nhiều loại muỗi truyền bệnh, nhiều túyp virus dengeu nên dịch bùng phát nặng nề hơn. Còn về chủ quan, sau cao điểm dịch Covid-19, lực lượng y tế đã quá mệt mỏi. Nhiều nhân viên y tế cơ sở nghỉ việc dẫn đến thiếu nguồn nhân lực, mà dự phòng chống sốt xuất huyết là tại cơ sở và trong cộng đồng là chính. Công tác đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị còn nhiều bất cập, dẫn đến thiếu hóa chất phun phòng dịch, thậm chí thiếu thuốc phục vụ điều trị. Nhiều cơ sở thiếu dung dịch cao phân tử. Các yếu tố chủ quan và khách quan đã dẫn đến số ca mắc và tử vong đều tăng", GS Kính nói.
Theo các chuyên gia, thời điểm này có thể đang là đỉnh dịch của sốt xuất huyết (thông thường bệnh xảy ra từ tháng 9 đến tháng 11), số mắc có thể sẽ giảm dần trong thời gian tới khi mùa đông đến gần do có liên quan đến yếu tố dịch tễ của muỗi. Tuy nhiên người dân cũng không nên chủ quan trong việc phòng tránh bệnh sốt xuất huyết theo khuyến cáo của ngành y tế, khi mắc bệnh cần theo dõi chặt chẽ phòng nguy cơ biến chứng.
Hội nghị khoa học, chủ đề "Nghiên cứu và ứng dụng trong y học" diễn ra sáng 25/11 với sự chủ trì của PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Tổng hội y học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế, các Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Lãnh đạo của các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế.
Hội nghị gồm 5 phiên với các chuyên đề về bệnh hiếm; chuyên đề bệnh không lây nhiễm; chuyên đề bệnh lý miễn dịch.
Theo PGS Nguyễn Thị Xuyên, hội nghị là cơ hội để chia sẻ những nghiên cứu, những kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng các Bệnh hiếm, các Bệnh không lây nhiễm, Bệnh lý miễn dịch, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đặc biệt, trong khuôn khổ Phiên chuyên đề về Bệnh hiếm sẽ có Hội thảo chuyên gia về chủ đề Quản lý bệnh hiếm và định hướng xây dựng chính sách hỗ trợ bệnh nhân bệnh hiếm.