1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sốt xuất huyết "bùng nổ": Hà Nội kiểm soát dịch như thế nào?

Minh Nhật

(Dân trí) - Sốt xuất huyết hiện là dịch bệnh đang bùng phát mạnh nhất tại Hà Nội. Cộng dồn năm 2022, thành phố đã ghi nhận 12.059 ca mắc sốt xuất huyết, 12 ca tử vong. Số ca mắc tăng gấp 3,8 lần cùng kỳ năm 2021.

34 đêm phun hóa chất diệt muỗi diện rộng

Trước tình hình sốt xuất huyết bùng phát mạnh, Sở Y tế Hà Nội hiện đang triển khai chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng tại các khu vực có ổ dịch và khu vực nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo ngành y tế quận Hà Đông cho hay, hiện quận đang tiến hành chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi đêm từ 17h đến 7h sáng.

Sốt xuất huyết bùng nổ: Hà Nội kiểm soát dịch như thế nào? - 1

Biểu đồ số ca mắc sốt xuất huyết theo tuần tại Hà Nội (Ảnh: CDC Hà Nội).

"Chiến dịch sẽ được tổ chức liên tục trong 34 đêm ở 17 phường, mỗi phường 2 lần. Chiến dịch này đã được tổ chức một tuần nay. Trước đó, chúng tôi cũng đã tổ chức một chiến dịch phun hóa chất ở những khu vực trọng điểm.

Đợt này chúng tôi tiếp tục triển khai một số phường từ giờ đến tháng 12, có những phường trọng điểm chúng tôi sẽ phun lần thứ 3 trên địa bàn toàn phường bằng ô tô", vị lãnh đạo này cho hay.

Để Chủ động kiểm soát mật độ côn trùng không để bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn, Trung tâm Y tế huyện Ba Vì cũng đã triển khai phun hóa chất diện rộng nhằm phòng chống sốt xuất huyết.

sot_xuat_huyet_1

Hà Nội thực hiện chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi diện rộng (Ảnh: Sở Y tế).

Theo kế hoạch, trung tâm y tế triển khai chiến dịch từ 8/11 đến 30/11. Tính đến ngày 14/11, trung tâm đã triển khai phun hóa chất tại 5 xã: Đồng Thái, Tây Đằng, Phú Sơn, Tản Lĩnh, Tản Hồng với tổng số 80 lít hóa chất.

Từ nay đến hết 30/11, trung tâm phấn đấu trên 95% số hộ dân trong khu vực nguy cơ cao được phun hóa chất trong đó tối thiểu 90% số hộ gia đình được phun hóa chất triệt để (Phun từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài toàn bộ trong nhà và ngoại cảnh xung quanh nhà).

Tại huyện Quốc Oai, Trung tâm Y tế huyện cũng đã xây dựng và triển khai kế hoạch phun hóa chất chủ động phòng, chống sốt xuất huyết tại các khu vực nguy cơ cao trên địa bàn. Theo kế hoạch chiến dịch phun hóa chất sẽ được tiến hành từ ngày 14/11 - 10/12 trên tổng số 11 xã/thị trấn với 7000 hộ dân, mỗi xã/thị trấn sẽ được phun 2 lần.

Sẵn sàng nguồn cung máu, giám sát chặt ca bệnh nặng

Sở Y tế cũng vừa có Công văn số 4953/SYT-NVY về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu CDC Hà Nội là đơn vị thường trực, theo dõi sát, đánh giá tình hình, dự đoán diễn biến dịch sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn; tham mưu Sở Y tế để báo cáo UBND TP Hà Nội các văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố khoa học, kịp thời, phù hợp.

Sốt xuất huyết bùng nổ: Hà Nội kiểm soát dịch như thế nào? - 3

Chủ động loại bỏ các dụng cụ chứa nước có bọ gậy để phòng bệnh sốt xuất huyết (Ảnh: Sở y tế).

Tăng cường giám sát dịch tễ bệnh sốt xuất huyết Dengue, thống kê đầy đủ các ca bệnh và triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bùng phát. Hỗ trợ chuyên môn cho các quận, huyện, thị xã để nhanh chóng dập tắt các ổ dịch đang hoạt động.

Đối với các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, phối hợp với phòng y tế tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy hằng tuần, nhất là tại các khu vực có ổ dịch.

Bảo đảm các khu vực, hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát. Các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi phải được giám sát để tiến hành các hình thức diệt lăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành y tế. Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao, có bệnh nhân mắc, có chỉ số muỗi và bọ gậy ở mức cao.

Chỉ đạo các trạm y tế tham mưu cho UBND xã, phường kiện toàn các tổ giám sát, đội xung kích diệt bọ gậy; phát huy vai trò của các tổ giám sát, đội xung kích trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue; đặc biệt, vai trò trong công tác giám sát người nghi mắc bệnh sớm tại cộng đồng, truyền thông phòng chống dịch và vận động người dân phối hợp, tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết…

Đối với các bệnh viện, sẵn sàng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh kịp thời, an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; bảo đảm cung ứng thuốc, máu và chế phẩm của máu, trang thiết bị, nhân lực cho công tác cấp cứu, điều trị người bệnh sốt xuất huyết.

sot_xuat_huyet_2

Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết (Ảnh: Mạnh Quân).

Tăng cường theo dõi người bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt người bệnh đang nằm nội trú trong các ngày nghỉ, ngày lễ để phát hiện sớm dấu hiệu cảnh báo, chuyển độ điều trị kịp thời hoặc chuyển lên tuyến trên. Trước khi chuyển tuyến phải liên hệ cơ sở tuyến trên và gửi kèm giấy tóm tắt điều trị theo quy định.

Sở Y tế giao cho Bệnh viện đa khoa Đống Đa - chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm tiếp tục tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue cho các cơ sở y tế trực thuộc.