1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chuyên gia: Hà Nội cần kiểm soát chặt việc đi lại khi giãn cách theo vùng

Minh Nhật

(Dân trí) - Khi thực hiện phân cấp giãn cách theo từng vùng, Hà Nội cần có biện pháp siết chặt việc đi lại giữa các vùng, để có thể kiểm soát được vùng đỏ và bảo vệ vùng xanh.

Chủ trương phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thống nhất theo đề xuất thiết lập 3 vùng "đỏ - cam - vàng" theo nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch.

Cụ thể, các khu vực có nguy cơ rất cao (vùng đỏ) tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc "ai ở đâu ở đó".

Chuyên gia: Hà Nội cần kiểm soát chặt việc đi lại khi giãn cách theo vùng - 1

Bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 của các quận huyện trên địa bàn thành phố (Ảnh chụp màn hình).

Đối với các khu vực nguy cơ cao (vùng cam) và nguy cơ thấp hơn (vùng xanh), cần điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg.

Việc thiết lập 3 vùng dựa trên nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất.

Người vùng nào ở nguyên vùng đó

Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nhận định, việc thực hiện biện pháp giãn cách xã hội linh hoạt theo mức nguy cơ của từng khu vực là quyết định đúng đắn và kịp thời với tình hình dịch thực tế trên địa bàn Thủ đô.

Chuyên gia: Hà Nội cần kiểm soát chặt việc đi lại khi giãn cách theo vùng - 2

Cần kiểm soát chặt việc đi lại của người dân khi giãn cách theo vùng.

PGS Hùng phân tích: "Bên cạnh tiếp tục siết chặt biện pháp giãn cách tại các khu vực nguy cơ rất cao để kiểm soát dịch, việc "nới lỏng giãn cách" ở những khu vực nguy cơ thấp hơn, sẽ giúp tạo điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh và hỗ trợ vùng đỏ. Giãn cách là biện pháp rất quan trọng khi chưa đủ khả năng bao phủ vắc xin, bảo vệ cộng đồng khỏi virus SARS-CoV-2. Cần xác định cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Hà Nội còn lâu dài, khi mầm bệnh đã lây lan trong cộng đồng và nhiều tỉnh thành khác đang bùng phát dịch mạnh".

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhấn mạnh khi thực hiện phân cấp giãn cách theo từng vùng, Hà Nội cần có biện pháp siết chặt việc đi lại giữa các vùng, để có thể kiểm soát được vùng đỏ và bảo vệ vùng xanh.

"Cần xây dựng các biện pháp kiểm soát theo nguyên tắc người vùng nào chỉ ở vùng đó, trừ những người đã tiêm đủ liều vắc xin. Với những người bắt buộc phải đi lại, phải có giấy đi đường. Bên cạnh đó, khuyến khích các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp áp dụng 3 tại chỗ, một cung đường 2 điểm đến", PGS Hùng cho hay.

Chuyên gia: Hà Nội cần kiểm soát chặt việc đi lại khi giãn cách theo vùng - 3

Tại "vùng đỏ" cần tiếp tục kiểm soát thật chặt.

Trong thời gian thực hiện chống dịch phân vùng tới đây, PGS Hùng nhấn mạnh, tại các khu vực "vùng đỏ" cần tiếp tục kiểm soát thật chặt việc tuân thủ biện pháp giãn cách của người dân đến mỗi ngõ xóm, khu chung cư và ở mỗi hộ gia đình. Tránh để xảy ra tình trạng "trong lỏng, ngoài chặt".

"Để thực hiện được việc này, không thể thiếu sự tham gia quyết liệt của chính quyền cơ sở (phường, xã), tổ dân phố, tổ Covid-19 cộng đồng. Đây là lực lượng quyết định việc đưa biện pháp chống dịch của thành phố vào cuộc sống. Họ vừa tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát và hỗ trợ người dân trong việc chấp hành nghiêm quy định giãn cách", PGS Hùng nêu quan điểm.

Tại vùng đỏ, cần có biện pháp đảm bảo hỗ trợ an sinh, để người dân yên tâm thực hiện giãn cách.

Chuyên gia: Hà Nội cần kiểm soát chặt việc đi lại khi giãn cách theo vùng - 4

Người dân ở "vùng xanh" tuyệt đối không được chủ quan (Ảnh minh họa).

Ngược lại, "vùng xanh" tuyệt đối không được chủ quan bởi người dân ở vùng này vẫn có nguy cơ "mang dịch về". "Vùng xanh" chỉ là quy ước tạm thời "chưa bùng phát dịch" và còn có cơ hội để phòng ngừa. Nếu không tuân thủ phòng dịch, một người mang bệnh sẽ lây ra một nhà, sau đó từ một nhà có thể lây ra nhiều nhà khác.

Từng bước nới lỏng giãn cách cho những vùng dịch "hạ nhiệt"

Thành phố cần xây dựng lộ trình từng bước nới lỏng giãn cách xã hội đối với những khu vực dịch "hạ nhiệt" một cách linh hoạt theo diễn biến dịch.

Theo quan điểm của PGS Hùng, những quận/huyện nào 2 tuần liên tiếp không ghi nhận F0, có thể cho áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15. Nếu sau 2 tuần tiếp theo không có ca mắc mới, cho áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 19. Tuy nhiên, thành phố cũng cần chủ động sẵn sàng áp dụng biện pháp phong tỏa ngay nếu những khu vực này xuất hiện F0.

Lộ trình nới giãn cách xã hội cũng cần căn cứ vào tỷ lệ tiêm chủng của người dân và kết quả truy vết, khống chế khi các vụ dịch bùng phát của địa phương.

Chuyên gia: Hà Nội cần kiểm soát chặt việc đi lại khi giãn cách theo vùng - 5

Cần ưu tiên tiêm vắc xin cho người cao tuổi (Ảnh minh họa).

Bên cạnh chiến lược giãn cách xã hội, xét nghiệm và vắc xin là 2 "vũ khí" quan trọng nhất để có thể dần thu hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh tiến tới khống chế được tình hình dịch và đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Theo PGS Hùng, vắc xin là giải pháp căn cơ và bền vững để có thể chiến thắng dịch bệnh. Hà Nội cần đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế ưu tiên cung cấp vắc xin để đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc xin nhằm sớm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Trong giai đoạn trước mắt, tập trung toàn bộ nguồn vắc xin có thể có cho đối tượng nguy cơ mắc và tử vong cao như người cao tuổi, người có bệnh nền, để giảm thấp nhất tỷ lệ bệnh nặng và tử vong giúp ngành y tế không bị quá tải.

Về công tác xét nghiệm nên tập trung khu vực trọng điểm, những vùng có F0 và vùng phụ cận thay vì xét nghiệm tràn lan.

Chuyên gia: Hà Nội cần kiểm soát chặt việc đi lại khi giãn cách theo vùng - 6

Nên tập trung xét nghiệm khu vực trọng điểm, những vùng có F0 và vùng phụ cận thay vì xét nghiệm tràn lan.

"Việc xét nghiệm những khu vực có nguy cơ cao cần lặp lại, bởi hôm nay âm tính nhưng ngày mai chưa chắc đã âm tính. Đồng thời, kết hợp với truy vết để nâng hiệu quả xét nghiệm. Khi phát hiện ca dương tính, cần lập tức phong tỏa khu vực có liên quan. Hà Nội cũng cần rà soát, củng cố năng lực thu dung các ca bệnh nặng, rất nặng để chủ động ứng phó khi dịch bùng phát", PGS Hùng lưu ý.