Chuyên gia dinh dưỡng chỉ 5 nguyên tắc cơ bản của ăn "sạch"
(Dân trí) - “Ăn sạch” là một khái niệm mới, hứa hẹn vượt xa chuyện ăn “đúng”. Những cuốn sách, website, chương trình truyền hình và tạp chí về dinh dưỡng ngày càng tập trung nội dung vào vấn đề này. Thậm chí các công ty thực phẩm cũng bắt đầu nói về độ sạch trong sản phẩm của họ.
Mặc dù không có khái niệm chính xác về ăn sạch nhưng nhiều chuyên gia dinh dưỡng đồng tình với các tiêu chí “ăn sạch” sau:
- Chế độ ăn thực phẩm nguyên bản
- Hạn chế tối thiểu chế biến
- Gần với nông trại và vùng đất nhất có thể (ăn các loại cây trồng địa phương, vật nuôi ăn cỏ….)
- Không thuốc trừ sâu, hoóc môn hay kháng sinh
Vậy là bạn đã có thể hiểu, ăn sạch không có nghĩa là sẽ tránh xa những thực phẩm dẫn tới các bệnh mãn tính hay gây tăng cân. Điều này có nghĩa đường sẽ là sạch nếu nó được sản xuất từ 1 cái cây chứ không phải trong phòng thí nghiệm. Một miếng bít-tết được coi là sạch nếu con bò được cho ăn cỏ, được chăm sóc kỹ lưỡng trước khi giết mổ.
Tuy nhiên, quá nhiều những thực phẩm “sạch” và những lựa chọn “sạch” khác lại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bạn. Dưới đây là cách làm thế nào để có được 1 chế độ ăn “sạch” và khỏe mà không đánh mất sự đúng đắn cần thiết do chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng nước Mỹ Kristin Kirkpatrick hướng dẫn trên Today:
1. Thiết lập quy tắc 90%
Đôi khi trong cuộc truy tìm cách ăn đúng, chúng ta đã bỏ qua hương vị, sự thỏa mãn và tất cả những gì làm chúng ta hứng thú với thức ăn khi chúng ta còn nhỏ. Hẳn bạn vẫn nhớ mỗi khi được ăn kem, xúc xích, gà rán… mà không hề thấy lo lắng hay e ngại như bây giờ?
Đó cũng là lý do vì sao Kristin thường khuyên bệnh nhân đang theo đuổi các kiểu chế độ ăn nên thực hiện nguyên tắc 90%.
Tức là 90% chế độ ăn tuân thủ theo chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe còn 10% là dành cho những gì bạn thấy thích, dù nó có nguồn gốc hay không, bán tại chợ địa phương hay là những món ăn, đồ uống vốn “có tiếng” là không tốt cho sức khỏe.
2. Tập trung vào ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt là phần cám hay mầm không bị tách ra trong quá trình sơ chế. Đây là những lựa chọn hàng đầu và tốt nhất cho dinh dưỡng.
3. Gấp đôi lượng rau quả
Hãy áp dụng nguyên tắc này ngay cả khi rau quả không phải thuộc nhóm hữu cơ.
Ăn sạch là ăn tất cả các loại cây trồng và ăn nhiều, ăn đa dạng màu sắc. Chỉ cần chúng lớn lên từ đất là đủ sạch rồi.
Ăn nhiều rau quả có ý nghĩa với mọi chế độ ăn. Thực tế là một nghiên cứu năm 2017 cho thấy ăn 10 khẩu phần rau quả mỗi ngày sẽ giúp giảm 7,8 triệu ca tử vong trên toàn thế giới.
4. Không ăn thịt đỏ quá 2 lần/tháng
Có rất nhiều ý kiến tranh luận về việc liệu thịt bò có nằm trong nhóm thực phẩm sạch không. Nhiều cá nhân cho rằng không nên có loại thực phẩm này trên bàn ăn nhưng nhiều người khác lại không thể thiếu món thịt ngon tuyệt này.
Vậy hãy chọn thịt từ con bò ăn cỏ tự nhiên, những hải sản đánh bắt từ biển, những gia cầm không nuôi kháng sinh… trong chế độ ăn của mình. Riêng thịt đỏ, chỉ nên tối đa 2 lần/tháng.
5. Ăn thực phẩm đơn
Mỗi tuần chỉ ăn những thực phẩm đơn nhất thật không dễ. Nhưng đây là cách tốt nhất để có chế độ ăn sạch.
Thay vì ăn các thực phẩm tổng hợp như 1 thanh năng lượng, hãy ăn các loại hạnh nhân, nho khô…. Thay vì bữa tối với các món ăn sẵn hãy làm món đậu phụ luộc, cơm gạo lứt và súp lơ luộc.
Sự phong phú của thông tin về thực phẩm tốt và “xấu”, những cách ăn đúng và “sai” dường như ngày càng gây stress cho con người. Vậy nên hãy hướng tới một cách sống và ăn “sạch hơn” thay vì tập trung vào việc tạo chế độ ăn hoàn hảo 100%.
Nhân Hà