“Chuyện ấy” khi vợ mang bầu
(Dân trí) - Vợ có bầu, đó là niềm vui của hai vợ chồng. Tuy nhiên, nếu thiếu hiểu biết, niềm vui ấy có khi lại làm sứt mẻ hạnh phúc chốn phòng the.
Thái độ e dè, lo lắng của chồng khiến nhiều chị em trong thời kỳ mang bầu phật ý. Nhiều người vợ dằn dỗi cho rằng anh chồng không còn ham muốn vợ vì trông họ thật xấu xí, nặng nề!
Thật ra không đúng như vậy, có rất nhiều ông chồng tiết lộ rằng, lúc ấy vợ thật đẹp. Họ bị mê hoặc bởi nét rạng ngời của vợ (vì hormone trong cơ thể phụ nữ tăng lên rất nhiều). Những thay đổi trên cơ thể vợ như hình dáng đẫy đà hơn, ngực căng lên khiến đàn ông... tăng ham muốn.
Nhưng điều khiến họ cảm thấy e sợ chính là ý nghĩ về sinh linh bé nhỏ đang lớn dần trong bụng vợ. Họ sợ khi sinh hoạt vợ chồng sẽ ảnh hưởng đến đứa con trong tương lai. Sự giằng co này khiến nhiều ông chồng lúng túng hết tiến lại... lùi và ngược lại!
Phải giải quyết sao đây? Theo các bác sĩ phụ sản, nếu cả mẹ và bé hoàn toàn khoẻ mạnh thì việc sinh hoạt vợ chồng trong suốt thời gian người vợ mang bầu hoàn toàn không ảnh hưởng tới thai nhi, kể cả thời gian đầu và cuối của thai kỳ. Hãy cho anh ấy thấy ham muốn của bạn. Và hãy là người khởi xướng, quyến rũ anh ấy.
Có thể nói, trong thời kỳ này, người vợ nên trở thành “phái mạnh”, chủ động giúp chồng thoát khỏi những lúng túng mà chàng có thể chưa hề trải qua. Hai người sẽ lại có những giờ phút nóng bỏng bên nhau.
Tác hại của việc “kiềm chế tinh binh”
Các bác sĩ Trung tâm Nam học Bệnh viện Việt - Đức cho biết, vì lý do nào đó, một số người đàn ông chọn phương án “kiềm chế” trong khi đó quá trình giải toả sinh lý rất quan trọng. Và điều này đã đem lại nhiều hậu quả đáng tiếc, đó là:
Ngược dòng: Trong trường hợp thông thường, khi “xuất binh”, cơ ở niệu đạo lại giãn nở, mở rộng, tinh dịch chỉ có thể thuận chiều chui xuống dưới mà không thể trào ngược lên trên để chui vào bàng quang, nước tiểu trong bàng quang, cũng không thể theo tinh dịch ra ngoài. Nhưng nếu trong quá trình giao hợp, nín nhịn không xuất, “đôi quân” buộc phải đi theo đường khác, sẽ đi lên trên và chui vào bàng quang, hình thành xuất tinh ngược chiều, lâu dần hình thành phản xạ có điều kiện, dẫn đến vô sinh.
Không “xuất” được nữa: Nếu thường xuyên nín nhịn không chịu “xuất binh”, sẽ xuất hiện những phản ứng sinh lý, chức năng vỏ đại não rối loạn, chức năng phóng tinh bị ức chế, lâu dần sẽ mắc bệnh không còn khả năng “xuất”.
Viêm tinh hoàn: Nếu bị ép “ngưng chiến”, không xuất tinh, tốc độ phục hồi máu ở cơ quan sinh dục bị chậm rõ rệt, tinh hoàn trong trạng thái xung huyết kéo dài, các mao mạch ở vách bên trong tinh hoàn bị rách, dẫn đến viêm tinh hoàn.
Dễ ung thư tiền liệt tuyến: Nếu bị ép phải ngưng lại, tiền liệt tuyến sẽ trong trạng thái xung huyết kéo dài, dẫn đến viêm tuyến tiền liệt và ung thư.
Có thể liệt dương: Khi đang “ngon trớn”, hoạt động thần kinh trung khu tình dục trong vỏ đại não và cơ quan sinh dục vẫn trong trạng thái hưng phấn, xung huyết, tình cảm vẫn đang căng thẳng, hưng phấn, khát vọng tình dục vẫn chưa được đáp ứng, như vậy sẽ tăng gánh nặng cho hệ thống thần kinh và cơ quan sinh dục, kết quả dẫn đến liệt dương.
Suy nhược thần kinh: Các tài liệu nghiên cứu đã cho thấy lo lắng xuất tinh sẽ có hại cho sức khỏe. Dùng cách kìm nén khiến đại vỏ não trong trạng thái căng thẳng, lo âu thần kinh luôn bị ức chế, tạo ra sức ép về tâm lý. Lâu dần thành suy nhược, mất ngủ, hay quên, đau đầu, chóng mặt và hoa mắt.
Phạm Thanh