Chuốc bệnh trào lưu... rửng mỡ

Dù đã qua Tết được gần 2 tuần nhưng cô cháu gái đang học lớp 9 của tôi vẫn phải ôm mặt nằm ở nhà. Nguyên nhân là do chiếc răng khểnh bỗng dở chứng, bị viêm nhiễm gây đau nhức khiến cô bé mất ăn mất ngủ…

Chuốc bệnh trào lưu... rửng mỡ

Mỗi người cần suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện phẫu thuật liên quan đến hàm răng của mình (Ảnh minh họa)

 

 

Trồng răng khểnh, đính đá cho răng

 

Thấy các ngôi sao Hàn Quốc bỗng trở nên vô cùng duyên dáng và cuốn hút bởi những chiếc răng khểnh trồng thêm, Thu Phương (cháu gái tôi) quyết định rủ cô bạn thân đi tân trang hàm răng để đón Tết. Phương cho biết, hiện việc đeo niềng hay mài trắng răng đã trở nên lỗi mốt mà thay vào đó là trào lưu đắp thêm răng khểnh. Tùy theo yêu cầu mà các bác sĩ nha khoa có thể đắp răng giả tạm thời hoặc gắn vĩnh viễn vào răng.

 

Tuy vậy, cái giá cho sự “duyên dáng” không hề rẻ. Cũng theo Thu Phương, trung bình một cặp răng khểnh có giá từ 3-10 triệu đồng, tùy theo chất liệu và thương hiệu của nơi thực hiện. Với nhiều bạn trẻ, do ngân sách có hạn lại muốn đẹp nhanh nên chọn cách gắn răng giả tạm thời bằng chất liệu composite. Phương pháp này hầu như không gây đau đớn bởi chân răng giả chỉ được gắn lên trên chiếc răng thật bằng keo nha khoa chuyên dụng. Tuy rẻ song chất lượng của những chiếc răng này không đảm bảo, chỉ sau một thời gian ngắn răng sẽ bị đổi màu, ố vàng và dễ bị sứt mẻ khi nhai phải đồ ăn cứng.

 

Cũng bởi sử dụng phương pháp gắn răng “nhanh, rẻ” trên mà chỉ sau 7 ngày chiếc răng của Thu Phương đã ở trong tình trạng viêm chân răng, chảy máu do phản ứng với chất liệu làm răng giả. Không chỉ có vậy, cô bé bỗng mắc chứng hôi miệng nên không dám nói chuyện với ai. Cực chẳng đã, Phương đã phải đi tháo răng giả khẩn cấp và tiếp tục ở nhà điều trị để cho vết thương lành hẳn.

 

Không chỉ trồng thêm răng khểnh mà mốt đính đá vào răng đang được không ít người coi đó là tiêu chí cho sự sành điệu. Với quan điểm gắn kim cương vào răng để “nụ cười thêm duyên dáng và đời thêm tươi sáng”, nhiều bạn trẻ đã sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu đồng chỉ để có nụ cười nổi bật giữa đám đông. Lê Lan Nhi - sinh viên Đại học Hà Nội - người đã có kinh nghiệm trong vấn đề này chia sẻ, khi đi gắn đá vào răng, tùy theo túi tiền khách hàng có thể lựa chọn cho mình loại đá phù hợp. Với đối tượng là sinh viên, một viên pha lê gắn lên răng có giá vài trăm nghìn đồng là lý tưởng. Tuy vậy với “dân chơi”, những viên đá quý mà họ chọn có thể lên tới hàng nghìn USD. Việc gắn đá được tiến hành khá đơn giản. Đầu tiên các bác sĩ sẽ khoan một lỗ trên bề mặt răng tương đương với đường kính của viên đá rồi dùng keo chuyên dụng để gắn vào bề mặt răng. Với đá giả, răng chỉ cần làm sạch, không cần tạo lỗ nên chỉ mất 15 phút bạn sẽ có “nụ cười tỏa nắng”. Sau đó, bác sĩ sẽ đánh bóng xung quanh vị trí răng vừa mới gắn, tạo bề mặt nhẵn, bóng.

 

Hậu quả khó lường

 

Bác sĩ Trần Thu Hà, khoa Răng hàm mặt, bệnh viện Bạch Mai cho biết, theo nguyên tắc, để trồng một răng khểnh, nha sĩ phải mài 2 chiếc răng hai bên tạo ra một kẽ hở cho chiếc răng. Tuy vậy, so với răng thật, răng khểnh giả sẽ không thể chắc chắn nên sức nhai sẽ giảm. Về vị trí, do không khớp với hàm nên thức ăn dễ bị đọng lại ở kẽ răng giả, dẫn đến viêm cổ chân răng và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chiếc răng thật bên cạnh. Có trường hợp bệnh nhân vì gắn răng giả đã phải nhổ cả răng thật do nhiễm trùng. Nếu bác sĩ tay nghề không cao sẽ khiến các chân răng kết cấu lỏng lẻo trở thành ổ thức ăn thừa dễ gây ra ê buốt chân răng. Hơn nữa, composite là nhựa quang nên khi đè vào lợi lâu ngày có thể gây phản ứng sưng đau, viêm nhiễm.

 

Theo bác sĩ Trần Thu Hà, một hàm răng được coi là khỏe khi răng mọc đúng trên cung hàm. Quan niệm răng khểnh là răng duyên đã lỗi thời và không khoa học. Răng khểnh không chỉ làm mất đi vẻ đẹp chuẩn của hàm răng mà còn làm rối loạn khớp cắn và là nguyên nhân gây ra các bệnh nhiễm trùng răng miệng.

 

Còn về việc đính đá vào răng, bác sĩ Thu Hà nhận xét, trong nha khoa có hai cách gắn đá vào răng. Cách thứ nhất là gắn đá nha khoa. Nha sĩ chỉ làm sạch bề mặt răng rồi dán đá lên răng bằng keo. Kỹ thuật này đơn giản, hầu như không ảnh hưởng đến răng thật. Cách thứ hai là gắn đá tự nhiên. Với cách này, nha sĩ phải khoan vào răng một lỗ vừa đủ cho chân viên đá gắn vào. Nếu kỹ thuật khoan không đảm bảo sẽ khiến răng có thể bị ê buốt. Việc gắn đá lên răng cũng sẽ làm thay đổi cấu trúc răng. Khi đá bị bong ra lỗ răng bị khoan phải được hàn lại. Sau khi gắn đá vào răng khiến cho nhiều người gặp khó khăn trong sinh hoạt, thức ăn nhiều khi bám xung quanh đá làm răng rất dễ bị sâu.

 

Dù việc làm đẹp là nhu cầu tất yếu của mỗi cá nhân  song bên cạnh những cái lợi trước mắt mỗi người cần nghĩ đến cái hại lâu dài bởi những tổn thương về răng rất khó phục hồi. Đặc biệt là các bạn trẻ, không nên chạy theo trào lưu mà có những can thiệp không cần thiết vào hàm răng của mình kẻo vừa mất tiền, vừa chuốc bệnh vào người.

 

Theo Sức khoẻ đời sống/ An ninh thủ đô