Chủng cúm mới nguy hiểm hơn chủng cúm gia cầm

(Dân trí) - Chủng cúm mới A/H7N9 đang đe dọa xâm nhập Việt Nam, cùng đó, cúm gia cầm nguy hiểm A/H5N1 xuất hiện trở lại sau hơn một năm vắng bóng. Cả hai chủng cúm nguy hiểm này đều bắt nguồn từ gia cầm, vì thế, nguy cơ lây lan dịch là rất lớn.

Đó là quan ngại của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội nghị “Triển khai công tác phòng, chống dịch cúm A/H7N9” do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức ngày 13/4 tại Hà Nội. Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, cả hai chủng cúm nguy hiểm này đều bắt nguồn từ gia cầm, vì thế, sự phối hợp với các Bộ ngành khác trong phòng hai loại dịch bệnh này là rất quan trọng.
 
Bộ trưởng hai Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều hành hội nghị. Ảnh: H.Hải
Bộ trưởng hai Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều hành hội nghị. Ảnh: H.Hải

Đối mặt với cúm A/H5N1 và cúm mới A/H7N9

Bà Tiến cho biết, vi rút cúm A/H7N9 là chủng mới, có nguồn gốc gen từ cúm gia cầm, các loài chim. Từ trước tới giờ chưa ghi nhận ca bệnh nào, từ 1/4/2013 WHO chính thức công bố những ca bệnh đầu tiên ở Trung Quốc, số ca mắc càng ngày càng nhiều, đến nay, thông báo của WHO ghi nhận 44 trường hợp, 11 tử vong, trong đó tập trung nhiều nhất tại thành phố Thượng Hải. Tỷ lệ tử vong hiện là khoảng 26%, số mắc chủ yếu là nam giới (chiếm 71%). Nhóm tuổi mắc cao nhất là 60-70, có thể do tuổi cao, sức khoẻ yếu hơn, nên nguy cơ nhiễm cao hơn. Tuy nhiên, tất cả các độ tuổi đều có thể mắc. Thời gian từ ngày khởi phát đến khi xác định trung bình là gần 11 ngày.

Nhận định về các ca bệnh rất nặng ở Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng độc lực của vi rút này còn độc hơn cả H5N1 nên tỉ lệ tử vong và số mắc vẫn đang tăng lên từng ngày. Cho đến giờ phút này, người ta vẫn chưa chứng minh được là khả năng lây từ người sang người hay không. Nguồn bệnh nằm ở gia cầm nhưng ở chim chóc hay gia cầm, thủy cần, nay vẫn đang phải tiếp tục nghiên cứu. Mới đây, thông tin từ Trung Quốc người ta đã phân lập được vi rút H7N9 ở các gia cầm nuôi trong các gia đình, tiếp xúc gần như vậy nguy cơ lây sang người đã được nhắc đến.

Trong khi đó, vi rút cúm A/H5N1 cũng bắt nguồn từ gia cầm và gây nên bệnh cảnh nặng nề, tỉ lệ tử vong rất cao nếu không được phát hiện, điều trị sớm.

TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: “Bệnh cảnh lâm sàng của các vi rút này là cúm nên tương tự như nhau. Nhưng căn bản nhất là diễn biến tổn thương phổi rất là nhanh. Chúng ta đã từng chứng kiến diễn biến tổn thương phổi của cúm A/H5N1, bệnh nhân bị  tổn thương phổi nặng nề trong vòng vài ba ngày đến một tuần sau khi nhiễm bệnh. Thế nhưng những trường hợp cúm A/H7N9 Trung Quốc công bố, tình trạng viêm phổi tiến triển nhanh trong vòng một vài ngày và tử vong”.

Trước nguy cơ này, Việt Nam đã kích hoạt toàn bộ hệ thống y tế dự phòng, nhằm đảm bảo phát hiện sớm các ca mắc, giám sát hành khách nhập cảnh bằng máy đo thân nhiệt, theo dõi chặt chẽ bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng…

Truy tìm vi rút cúm A/H7N9

Trước nguy cơ hai dịch cúm nguy hiểm đều bắt nguồn từ gia cầm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ tăng cường kiểm soát chặt việc xuất nhập khẩu gia cầm, hỗ trợ giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm khi có dịch trên gia cầm.

Tiến sĩ Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, với dịch cúm H5N1 trên đàn gia cầm tại Việt nam vẫn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2013 đến nay toàn quốc đã ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm tại 15 xã phường của 4 tỉnh: Khánh Hòa, Tây Ninh, Điện Biên và Kiêng Giang làm trên 28 nghìn gia cầm mắc bệnh chết và tiêu hủy.

Mới đây nhất, ổ dịch cúm gia cầm H5N1 trên 177 con chim nuôi tại Tiền Giang và trên 4 nghìn con chim yến tại Ninh Thuận cũng được phát hiện và xử lý kịp đời.

Trước diễn biến mới của dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc mà các chuyên gia đã phân được vi rút H7N9 ở các gia cầm nuôi trong các gia đình, tiếp Cục Thú ý dự kiến sẽ xét nghiệm lại khoảng 500 mẫu (từng cho kết quả dương tính với cúm A trước đây) để xem virus H7N9 - đang gây bệnh trên người ở Trung Quốc - đã xuất hiện ở Việt Nam hay chưa.

Công tác xét nghiệm đang được tiến hành và sẽ có kết quả trong vài ngày tới. Bên cạnh đó, Cục Thú y cũng sẽ chủ động lấy mẫu xét nghiệm vi rút H7N9 từ các nhóm gia cầm có nguy cơ gồm: gà đẻ thải loại, gà con giống, lợn và chim bồ câu… tại các chợ, điểm tập kết trung chuyển động vật, tại các địa phương khu vực biên giới…

Trong khi đó, nguy cơ dịch cúm H5N1 trên gia cầm tiếp tục phát sinh là rất cao, bởi Việt Nam là nước chăn nuôi nhiều thủy cầm, tỉ lệ mang trùng trên thủy cầm khá cao. Nhiều đàn thủy cầm được nuôi thả đồng, ăn chung với chim hoang làm tăng nguy cơ bị nhiễm vi rút cúm từ chim hoang hoặc lây nhiễm vi rút cúm cho chim hoang, làm mầm bệnh phát tán trên diện rộng, Ngoài ra, chưa đảm bảo 100% đàn gia cầm được tiêm phòng (do nuôi nhỏ lẻ, chăn thả trên đồng nên khó bắt, chưa kịp tiêm bổ sung…). Các hoạt động vận chuyển gia cầm lậu vẫn chưa chấm dứt…

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước nguy cơ dịch đến từ nhiều phía. Khả năng dịch cúm H7N9 xâm nhập vào nước ta là rất lớn, trong khi đó dịch cúm gia cầm H5N1 cũng đang diễn biến phức tạp. Để không có người bị bệnh thì mục tiêu quan trọng là không có gia cầm bị bệnh. Vì thế, Bộ đã mua 40 nghìn liều vắc xin cúm gia cầm để tiêm phòng bao vây khẩn cấp khi có dịch xảy ra, đồng thời sẽ tiếp tục tăng cường các công tác phòng chống dịch trên đàn gia cầm”.
 

 Trung Quốc: Bắc Kinh ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm cúm H7N9

 

Hôm 13/4, các quan chức y tế của Bắc Kinh cho biết một bé gái 7 tuổi tại thành phố này đã trở thành bệnh nhân đầu tiên của thành phố nhiễm cúm gia cầm H7N9.

 

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục ghi nhận thêm 2 trường hợp tại tỉnh Giang Tô, 2 trường hợp tại tỉnh Chiết Giang và 1 trường hợp tại thành phố Thượng Hải nhiễm cúm H7N9, nâng tổng số ca nhiễm cúm trên khắp cả nước lên con số 49 với 11 trường hợp tử vong.

 

Trường hợp của bé gái tại Bắc Kinh được xác nhận sau một thử nghiệm bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc vào sáng ngày 13/4.

 

Tại một cuộc họp báo, ông Zhong Dongbo, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố Bắc Kinh cho biết đứa trẻ đang được điều trị tại Bệnh viện Ditan ở Bắc Kinh và đang

trong tình trạng ổn định.

 

Bé gái này có các triệu chứng cúm như sốt, ho, đau họng và đau đầu vào sáng ngày 11/4. Bé được đưa tới Bệnh viện Ditan để điều trị vào trưa cùng ngày và sau đó phải nhập viện vì nhiễm trùng phổi.

 

Ông Zhong cho biết cha mẹ của đứa bé là những người duy nhất tiếp xúc gần với bệnh nhân và hiện đang được cách ly để kiểm dịch nhưng không biểu hiện bất kỳ triệu chứng cúm nào.

 

Ông nói thêm rằng cha mẹ bé đã tham gia buôn bán gia cầm sống tại một thị trấn thuộc quận Thuận Nghĩa ở vùng ngoại ô phía đông bắc của Bắc Kinh.

 

Hùng Cường

 
Hồng Hải