1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Chưa xác định được nguồn lây của ca tử vong do nhiễm cúm H1N1

Đến thời điểm này Sở Y tế Khánh Hòa vẫn chưa xác định chính xác nguồn lây nhiễm cúm A/H1N1 đối với chị Loan để triển khai các biện pháp điều tra, phòng chống dịch.

Sáng 5/8, bác sĩ Nguyễn Đức Tiến - Phó trưởng phòng của Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa để kiểm tra, rà soát toàn bộ quá trình điều tra dịch tễ học, tiếp nhận, thu dung, điều trị, chăm sóc bệnh nhân Trần Thị Kim Loan, 29 tuổi, đăng ký nhân khẩu thường trú ở 51/6/6 khu Thánh Gia, phường Vĩnh Nguyên, tạm trú tại số 10, đường Đông Phước, phường Phước Long, TP Nha Trang - người đã tử vong vào đêm 3/8 sau 4 ngày cách ly điều trị cúm A/H1N1 ở Bệnh viện Quân y 87 và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

 

Chưa xác định được nguồn lây của ca tử vong do nhiễm cúm H1N1 - 1

BS Lê Tấn Phùng (áo đỏ) đang giải đáp các câu hỏi của phóng viên

Trả lời câu hỏi của nhiều nhà báo vào chiều 5/8, bác sĩ, thạc sĩ Lê Tấn Phùng - Trưởng phòng nghiệp vụ Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, qua kiểm tra, ông Tiến nhận xét quá trình tiếp nhận, điều trị và chăm sóc bệnh nhân của hai bệnh viện đúng với quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế về điều trị cúm A/H1N1.

 

Theo tài liệu của Tổ chức y tế thế giới, nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm cúm A/H1N1 cao là phụ nữ mang thai, trẻ em, người béo phì, người mắc bệnh mãn tính… Trong khi đó chị Loan không thuộc một trong các đối tượng trong nhóm này, chính vì vậy câu hỏi đặt ra: Phải chăng do bệnh nhân đến bệnh viện quá muộn?

 

Bệnh nhân tử vong do viêm phổi nặng, biến chứng suy hô hấp nặng, kết quả xét nghiệm ngày 31/7 của Viện Pasteur Nha Trang cho thấy bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Đức Tiến đã thu thập toàn bộ hồ sơ có liên quan đến quá trình điều tra dịch tễ học, điều trị chăm sóc chị Loan để Cục Quản lý khám chữa bệnh trình Bộ Y tế và xin ý kiến của các chuyên gia về virus học trước khi khẳng định nguyên nhân bệnh nhân Trần Thị Kim Loan tử vong.

 

Bác sĩ Lê Tấn Phùng cho biết thêm, mặc dù việc điều trị bệnh nhân đúng quy trình, nhưng về nguyên tắc trong vòng 15 ngày sau khi bệnh nhân tử vong, khoa nhiễm Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa phải tiến hành kiểm thảo sau đó sẽ mời hội đồng khoa học phân tích, đánh giá và kết luận. Đến chiều qua (5/8), tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 24 ca nhiễm cúm A/H1N1, trong đó có 11 bệnh nhân đã xuất viện sau khi điều trị ổn định, 8 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, 4 trường hợp nghi nhiễm cúm đang được cách ly để xét nghiệm và 1 ca tử vong...

 

Tìm hiểu thêm về chị Trần Thị Kim Loan, phóng viên Báo CAND được biết, người phụ nữ vắn số này là con của ông Trần Ngọc Thanh - chủ nhân một chiếc tàu đưa đón du khách từ cảng Cầu Đá đi tham quan TP Nha Trang. Trước khi kết hôn với anh Lê Minh T., làm nghề thợ xây, chị Loan đã có một đứa con riêng là Trần Ngọc H., 9 tuổi hiện đang điều trị cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa do nhiễm cúm A/H1N1. Riêng đứa con chung với anh T., là cháu Lê Trần Khánh N., 4 tuổi cũng đã được xét nghiệm, nhưng kết quả âm tính với cúm A/H1N1.

 

Theo Trung tá Nguyễn Thanh Bình - Trưởng Công an phường Phước Long cho biết, khoảng một tuần trước khi chết, chị Loan cùng hai đứa con thuê trọ tại căn hộ số 10, đường Đông Phước, phường Phước Long do ông Nguyễn Đức Quý, 50 tuổi làm chủ. Thường ngày chị Loan xuống khu vực Cửa Bé - nơi có nhiều tàu thuyền của ngư dân ra vào cập bến nối liền khu dân cư đông đúc để phụ việc tại một quán phở do bà Đ. làm chủ.

 

Theo kết quả điều tra bước đầu của Sở Y tế Khánh Hòa, trước đó chị Loan không đi nước ngoài và cũng không tiếp xúc với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Cách quán phở chị Loan đang phụ việc khoảng 200m là nơi anh Nguyễn Văn H., 25 tuổi, nhân viên một khách sạn ở Nha Trang đang thuê trọ. Anh H. từng là bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 đã phải nhập viện điều trị cách ly từ ngày 18/7 và sau khi xuất viện anh H. có đến quán phở bà Đ, để ăn sáng, uống cà phê.

 

Bác sĩ Lê Tấn Phùng cho hay, chị Loan đã có các triệu chứng ho, sốt, chảy nước mũi từ ngày 25/7 nhưng đến ngày 29/7 mới đến Bệnh viện Quân y 87 để khám. Mặc dù các bác sĩ chỉ định nhập viện để theo dõi và điều trị sau khi phát hiện dấu hiệu viêm phổi từ kết quả chụp X quang, nhưng chị Loan không chấp thuận. 5 ngày sau đó, do bệnh trạng nặng hơn với dấu hiệu khó thở nên chị Loan trở lại Bệnh viện Quân y 87, kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang cho thấy chị Loan dương tính với cúm A/H1N1.

 

Để hỗ trợ điều trị bệnh nhân, ngày 1/8, Bệnh viện Quân y 87 đã mời các bác sĩ khoa nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa hội chẩn về chuyên môn, thời điểm đó bệnh nhân phải thở oxy hỗ trợ. Đến 2h ngày 3/8, chị Loan được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa. Các bác sĩ khoa nhiễm đã gửi email cho giáo sư, tiến sĩ Trần Tịnh Hiền ở Bệnh viện nhiệt đới TP HCM để tham khảo ý kiến về chuyên môn. Dù đã điều trị tích cực nhưng bệnh nhân tử vong lúc 23h45' ngày 3/8.

 

Vấn đề đặt ra là đến thời điểm này Sở Y tế Khánh Hòa vẫn chưa xác định chính xác nguồn lây nhiễm cúm A/H1N1 đối với chị Loan để triển khai các biện pháp điều tra, phòng chống dịch

 

Theo Phan Thế Hữu Toàn

CAND TPHCM