Đồng Nai:

Chưa nhận diện được thịt heo an toàn sinh học

(Dân trí) - Mặc dù có nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học được phát triển thành công ở tỉnh Đồng Nai nhưng người tiêu dùng vẫn chưa có dấu hiệu nhận biết đâu là sản phẩm an toàn, giá thịt sạch vấn chỉ bằng giá thị trường...

Đồng Nai là tỉnh duy nhất trong cả nước được chọn thực hiện thí điểm vùng quy hoạch chăn nuôi (LPZ) của dự án nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành chăn nuôi (gọi tắt là dự án LIFSAP).

Dự án LIFSAP được triển khai tại 12 tỉnh, thành trong cả nước do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Riêng tại Đồng Nai, dự án được triển khai trong giai đoạn 2010-2015 với tổng vốn đầu tư 6,4 triệu USD.

Tính đến cuối năm 2014, Ban quản lý dự án LIFSAP của tỉnh đã thành lập được 52 nhóm với tổng 1.039 hộ tham gia áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (GAHP); hỗ trợ lắp đặt 250 trong tổng số 500 hầm biogas, giúp giải quyết vấn đề môi trường trong chăn nuôi.

Ông Lương Hồng Đoán, trưởng tổ hợp tác GAHP xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, cho biết: Trước khi có dự án LIFSAP, các hộ dân không có tiếp cận với khoa học kỹ thuật, không được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và an toàn sinh học trong chăn nuôi. Hiện nay, với sự hỗ trợ của dự án, người chăn nuôi được tập huấn về quản lý con giống, quản lý môi trường và tiếp cận với dịch vụ thuốc thú ý chuẩn.

Ông Lương Hồng Đoán, trưởng tổ hợp tác GAHP xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc (Ảnh: N.An)
Ông Lương Hồng Đoán, trưởng tổ hợp tác GAHP xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc (Ảnh: N.An)

“Các hộ chăn nuôi trong nhóm GAHP phải đảm bảo sản phẩm an toàn theo 29 tiêu chí GAHP đề ra như: Không dùng chất tăng trưởng, ghi chép sổ sách chuồng trại, không bán các con vật đang chích thuốc kháng sinh ra thị trường…,” ông Đoán cho biết.

Ông cũng khẳng định rằng: Chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học có chi phí sản xuất thấp hơn so với nuôi heo hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp. Mỗi tổ hợp tác được cấp máy nghiền trộn thức ăn chăn nuôi với bắp, chuối; nhờ vậy, chi phí thức ăn cho heo giảm được 1.500đ/kg heo. Tính bình quân, mỗi con heo thương phẩm với trọng lượng 1 tạ sẽ tiết kiệm được 220.000đ tiền thức ăn.

“Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học cũng giúp hạn chế dịch bệnh. Bình thường thì chuồng trại được xát trùng định kỳ 7 ngày/lần, khi có dịch xảy ra ở vùng lân cận thì cứ 3 ngày lại xát trùng 1 lần. Khách thăm cũng được quản lý chặt nhằm hạn chế lây lay dịch bằng cách tạo hố vôi bột hoặc hố nước sát trùng trước cửa chuồng,” ông Đoán nói.

"Vướng" ở khâu thị trường

Mặc dù người chăn nuôi đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn sinh học và cho ra sản phẩm tốt cho thị trường, nhưng đến nay ở khâu phân phối vẫn chưa có dấu hiệu nhận biết để phân biệt với sản phẩm thông thường; do đó, giá sản phẩm vẫn chỉ bán bằng với thị trường.

Một cơ sở chăn nuôi heo tại ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc (Ảnh: N.An)
Một cơ sở chăn nuôi heo tại ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc (Ảnh: N.An)

Nói về điều nay, ông Phan Văn Báu, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết: Ban đầu tỉnh áp dụng biện pháp bấm lỗ tai cho heo nuôi theo quy trình an toàn sinh học, nhưng có bất cập là khi đưa vào lò giết mổ thì các khuyên tai lại phải tháo ra, khó phân biệt với heo thường. Hiện lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chuyên môn đang nghiên cứu tìm giải pháp hiệu quả hơn.

“Theo tôi, chăn nuôi theo quy chuẩn an toàn sinh học trước mắt là nhằm thay đổi hành vi, tập quán của người chăn nuôi nhỏ lẻ; hình thành cho họ ý thức về phòng chống dịch để sau khi dự án kết thúc người dân duy trì được thói quen chăn nuôi này,” ông Báu nói.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ mở rộng nhóm GAPH tại 3 huyện theo 2 cách: Kết nạp thêm thành viên mới vào các nhóm hiện có và lập thêm nhóm mới.

Theo định hướng phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ phân ra 2 nhóm: Phải di dời khỏi khu vực gần nơi dân cư, nhất là khu vực của công nhân đồn điền cao su; xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh. Hiện đã có 253 cơ sở an toàn dịch bệnh quy mô trang trại đã được cấp chứng nhận.

Đến nay, Dự án LIPSAP đã hỗ trợ trang thiết bị an toàn sinh học cho 250 hộ chăn nuôi và hộ mô hình mẫu; xây dựng 4 cơ sở giết mổ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời cấp chứng nhận VietGAP cho 180 hộ chăn nuôi.

Hiện đã hình thành 45 tổ hợp tác trên 3 vùng GAHP tại 2 huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và thị xã Long Khánh. Dự án cũng cấp 52 hệ thống trộn và nghiền thức chăn chăn nuôi cho 52 nhóm GAHP; hỗ trợ kinh phí nâng cấp chuồng trại cho 307 hộ thành viên và 7 hộ mẫu.

Với sự hỗ trợ của dự án, các hoạt động giám sát huyết thanh, giám sát thức ăn chăn nuôi được thực hiện 2 đợt/năm. Dự án cũng đang tiến hành nâng cấp 5 khu bán thực phẩm tươi sống và khởi công nâng cấp 1 chợ trong tháng 12/2014.

Sở Xây dựng của tỉnh đang trình UBND tỉnh xem xét và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vùng quy hoạch chăn nuôi LPZ.

Nguyên An