1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chưa được tiêm vaccine phòng ho gà, bé 2 tháng tuổi đã mắc bệnh nguy kịch

Hà An

(Dân trí) - Bé gái (Phú Thọ) có biểu hiện ho nhiều, ho có đờm, khò khè, xuất tiết 3 ngày, được chẩn đoán viêm phổi nặng. Trẻ được điều trị kháng sinh 6 ngày nhưng không đáp ứng, tình trạng suy hô hấp tăng lên.

Theo lời kể của gia đình, trẻ 2 tháng tuổi chưa được tiêm phòng, khởi phát bệnh với triệu chứng ho nhiều, ho có đờm, khò khè, xuất tiết 3 ngày. Gia đình đã đưa bé đến khám tại cơ sở y tế gần nhà và được chẩn đoán viêm phổi nặng.

Trẻ được thở oxy và dùng thuốc kháng sinh điều trị trong 6 ngày nhưng không đáp ứng, tình trạng suy hô hấp tăng lên. Vì thế, gia đình đã đưa trẻ tới Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.

Trẻ nhập viện trong tình trạng tự thở kém, tím nhiều, SpO2 giảm còn 85-86% (chỉ số này ở trẻ khỏe mạnh phải đạt trên 90%) kèm theo rút lõm lồng ngực nhiều, huyết áp xu hướng tụt, mạch nhanh, trẻ được chẩn đoán suy hô hấp cấp độ 3. Kết quả xét nghiệm PCR cho thấy trẻ mắc ho gà.

Chưa được tiêm vaccine phòng ho gà, bé 2 tháng tuổi đã mắc bệnh nguy kịch - 1

Với trẻ dưới 1 tuổi, bệnh ho gà thường tiến triển nặng lên rất nhanh, ở trẻ sơ sinh tỷ lệ tử vong lên đến 90% (Ảnh: H.K).

Tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc, trẻ được chỉ định đặt ống nội khí quản, an thần thở máy, sử dụng thuốc vận mạch, điều trị tăng áp phổi. Sau 2 ngày được điều trị tích cực, bệnh nhi vẫn trong tình trạng nặng nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).

Trước đó, đầu tháng 3, khoa Bệnh nhiệt đới cũng đã tiếp nhận một bệnh nhi 2 tháng tuổi khác bị ho gà. Trẻ có biểu hiện ho đờm nhiều, khò khè nhiều, ngạt mũi. May mắn là sau 7 ngày điều trị, được cho dùng kháng sinh, bù dịch và sử dụng khí dung, trẻ có tiến triển tốt, sau đó được ra viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Ho gà là một bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây lan nhanh qua đường hô hấp, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em. Các triệu chứng ho gà thường xuất hiện trong vòng 7 đến 10 ngày sau khi nhiễm bệnh.

Khởi đầu của bệnh, trẻ có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy.

Bệnh ho gà dẫn đến những biến chứng như: Suy hô hấp, viêm phổi, thiếu oxy não, viêm não, xuất huyết kết mạc, thậm chí dẫn đến ngừng thở và gây tử vong. Do đó, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị là rất quan trọng.

Cảnh báo ca mắc ho gà ở trẻ dưới 2 tháng tuổi

Miền Bắc đang trong giai đoạn thời tiết mưa ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát triển, lây lan và làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay TP cũng ghi nhận 46 ca mắc tại 20 quận, huyện, tăng so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn ca mắc là trẻ em dưới 2 tháng tuổi (chiếm 52%), tỷ lệ trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ chiếm 70% số ca mắc.

Theo ThS.BS Trần Thị Thùy Linh, Giám đốc Trung tâm Tiêm chủng, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, tiêm vaccine có thành phần ho gà là biện pháp phòng bệnh ho gà chủ động và hiệu quả nhất. Trẻ được tiêm 3 mũi chính khi 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi và 4 tháng tuổi, mũi 4 nhắc lại khi trẻ được 18 đến 24 tháng tuổi.

Cha mẹ cần đảm bảo tiêm chủng đúng lịch cho trẻ để hạn chế mắc bệnh ho gà và các bệnh khác. Trẻ được tiêm mũi 1 khi 2 tháng tuổi nhưng có thể tiêm sớm lúc 6 tuần tuổi.

Với trẻ dưới 1 tuổi, bệnh ho gà thường tiến triển nặng lên rất nhanh, ở trẻ sơ sinh tỷ lệ tử vong lên đến 90%. Vì thế, khi thấy trẻ có dấu hiệu mắc bệnh như ho nhiều, ho có tím tái, ăn nôn trớ, ngủ ít, thở nhanh hoặc khó thở…, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, cách ly và điều trị.