Hà Nội có 9 ca mắc ho gà, có bé chỉ 5 tuần tuổi
(Dân trí) - Trong 2 tuần liên tiếp gần đây, Hà Nội ghi nhận 6 ca mắc ho gà. Trong khi cùng kỳ năm 2022-2023, TP không ghi nhận ca bệnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ ngày 16/2 đến ngày 1/3, trên địa bàn thành phố ghi nhận 6 ca mắc ho gà. Như vậy, từ đầu năm đến nay, TP đã có 9 ca mắc ho gà, trong khi cùng kỳ năm 2022 và năm 2023 không ghi nhận ca mắc.
Điều đáng nói, đa số trẻ mắc ho gà đều chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ số mũi vaccine phòng bệnh. Trường hợp bé gái 5 tuần tuổi ở huyện Phúc Thọ là một ví dụ.
Trẻ khởi phát bệnh với triệu chứng ho từng cơn, khò khè. Sau đó, ho tăng dần, cơn ho kéo dài 2-3 phút và sau ho xuất hiện hiện tượng tím tái, toát mồ hôi. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi dương tính với ho gà. Trường hợp này chưa tiêm vaccine phòng bệnh.
Ho gà là bệnh lây truyền cấp tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện chính của bệnh là cơn ho dữ dội, thở rít vào.
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của người bệnh khi ho, hắt hơi. Khả năng lây lan của bệnh cao, nhất là đối với những trẻ sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín như trường học.
Theo bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh ho gà có thời gian ủ bệnh dài, khoảng 1-2 tuần, khó nhận biết sớm, trong khi đây lại là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có khả năng lây lan rất cao. Với trẻ dưới 1 tuổi, bệnh ho gà thường tiến triển nặng lên rất nhanh, ở trẻ sơ sinh tỷ lệ tử vong lên đến 90%.
Một số biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải trong trường hợp trẻ mắc bệnh ho gà gồm:
- Viêm phổi nặng: Đây là biến chứng hô hấp hay gặp, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng.
- Viêm não là một biến chứng nặng của bệnh ho gà, tỷ lệ tử vong cao. Trẻ sốt rất cao, li bì, hôn mê, co giật.
- Biến chứng cơ học như lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng. Trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi.
- Biến chứng khác gồm xuất huyết võng mạc, kết mạc mắt, rối loạn nước điện giải, bội nhiễm các vi khuẩn khác.
Do vậy, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị là rất quan trọng.
Để phòng bệnh, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, việc tiêm phòng vaccine có thành phần ho gà là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất. Trẻ được tiêm mũi 1 khi 2 tháng tuổi (có thể tiêm sớm lúc 6 tuần tuổi), mũi 2 khi 3 tháng tuổi, mũi 3 khi 4 tháng tuổi và mũi 4 lúc 18 tháng tuổi.
Bên cạnh đó, người dân cần bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng. Gia đình cần thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ như che mũi, miệng khi hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi họng cho trẻ hằng ngày.
Khi thấy trẻ có dấu hiệu mắc bệnh như ho nhiều, ho có tím tái, ăn nôn trớ, ngủ ít, thở nhanh hoặc khó thở…, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, cách ly và điều trị.