Chủ quan với vết xước nhỏ người đàn ông hoại tử chân, phải thở máy
(Dân trí) - Anh N.V.C, 37 tuổi được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng suy hô hấp. Phần cẳng chân trái có dấu hiệu bị viêm, ngả đen.
Qua khai thác bệnh sử, gia đình bệnh nhân cho biết, trước thời điểm nhập viện khoảng 4-5 ngày, anh C. có vết xước ở chân nhưng không điều trị. Những ngày sau đó, anh C. vẫn tiếp tục đi làm đồng.
Chia sẻ về tình trạng của bệnh nhân C., TS.BS Thân Mạnh Hùng, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, qua thăm khám, bệnh nhân C. được xác định bị viêm mô mềm dẫn tới nhiễm khuẩn huyết có sốc. Toàn bộ vùng cẳng chân của bệnh nhân bị hoại tử.
BS Hùng chia sẻ: "Bệnh nhân bị xước ở chân nhưng vẫn chủ quan không sơ cứu đúng cách và sau đó vẫn lội nước bùn ở ruộng, dẫn đến nhiễm các loại vi khuẩn. Sau khi nhập viện, chúng tôi đã ngay lập tức cho bệnh nhân thở máy. Cùng với đó, tiến hành lọc máu và điều trị bằng kháng sinh mạnh".
Cũng theo BS Hùng, vì bệnh nhân bị hoại tử vùng cẳng chân nên phải tiến hành cắt lọc để loại bỏ các tổ chức hoại tử, vì các tổ chức này giải phóng rất nhiều độc tố vào máu sẽ khiến trầm trọng hơn tình trạng bệnh nhân. Sau khi các tổ chức hoại tử được cắt lọc, bác sĩ đắp thuốc bên ngoài để tổ chức da hồi phục.
Đến nay, sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng sốc, toàn trạng ổn định. Bệnh nhân vừa được chuyển sang cơ sở Đông Anh của Bệnh viện để tiếp tục điều trị.
"Thời gian tiếp theo, bệnh nhân sẽ được điều trị nội khoa; khoa Cấp cứu và khoa Ngoại sẽ tiến hành chăm sóc vết thương, cắt lọc và rửa vệ sinh vết thương hàng ngày, để đảm bảo các tổ chức hạt ở cẳng chân hồi phục", BS Hùng chia sẻ.
Theo BS Hùng, bệnh nhân có tiên lượng tốt. Tuy nhiên, vì vùng hoại tử lớn, bệnh nhân có thể sẽ bị hạn chế vận động sau này do các tổ chức sẹo. Trong trường hợp da của bệnh nhân không hồi phục sẽ hình thành ổ loét và điều trị lúc này phức tạp hơn.
Trường hợp viêm mô mềm tiến triển nặng như anh C. là không hề hiếm gặp ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Vừa tuần trước, một bệnh nhân nữ có địa chỉ tại Đống Đa, Hà Nội cũng phải nhập viện Cấp cứu vì mắt trái sưng nề, bầm tím và lan xuống má và hàm dưới bên trái.
BS Hùng cho biết: "Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết, có viêm mô vùng mắt trái. Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có tình trạng kiệt bạch cầu và tiểu cầu. Với bệnh nhân này, chúng tôi cũng đã phải tiến hành đặt ống nội khí quản để thở máy xâm nhập".
Theo BS Hùng, hiện rất khó để tiên lượng tình trạng của bệnh nhân này. Tuy nhiên, trong tình huống xấu, bệnh nhân có thể mất hoàn toàn thị lực mắt trái.
Từ thực tế trên, BS Hùng khuyến cáo người dân khi có các vấn đề về chấn thương không được phép chủ quan. Tốt nhất nên giữ sạch vết thương, băng bó cẩn thận.
Trong trường hợp vết thương rộng, sâu và có dấu hiệu sưng tấy, cần đến cơ sở y tế để thăm khám.
"Có những vết thương người bình thường không thể đánh giá được mức độ nghiêm trọng, bởi sâu bên trong đó có thể đã nhiễm các vi khuẩn. Khi chúng phát triển có thể đi vào máu dẫn đến nhiễm khuẩn huyết hậu quả rất nặng nề, thậm chí là tử vong", BS Hùng nhấn mạnh.