1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chiều cao của người Việt thay đổi như thế nào trong 10 năm qua?

Nam Phương

(Dân trí) - Chiều cao trung bình của nam thanh niên hiện đạt 168,1 cm, tăng 3,7 cm và nữ đạt 156,2 cm, tăng 2,6 cm so với thời điểm năm 2010 theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2020.

Theo Bộ Y tế, thể lực của người Việt đã có chuyển biến tích cực. Cụ thể, theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2020, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi dưới 5 tuổi của Việt Nam là 19,6%, được coi là mức thấp nếu tính theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới.

Bên cạnh đó, tầm vóc của người Việt cũng có sự cải thiện. Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế thì chiều cao người Việt trong giai đoạn 1990-2020 bằng chiều cao người Nhật giai đoạn 1955-1995.

Cụ thể, chiều cao trung bình của nam thanh niên đạt 168,1 cm, tăng 3,7 cm so với năm 2010; nữ đạt 156,2 cm, tăng 2,6 cm so với năm 2010. 

Chiều cao của người Việt thay đổi như thế nào trong 10 năm qua? - 1

Trong 10 năm qua, thể lực của người Việt đã có chuyển biến tích cực. Ảnh minh họa: Hồng Minh. 

Mức tăng chiều cao của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn 1990-2020 tương đương thời kỳ vàng của Nhật Bản về tăng chiều cao thanh niên trong giai đoạn 1955-1995. Nếu tiếp tục triển khai tất cả các giải pháp can thiệp, chắc chắn chiều cao của người Việt sẽ còn tiếp tục tăng lên.

GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng nhận định mức tăng trưởng chiều cao của người Việt thời gian qua là rất nhanh, tương tự giai đoạn vàng của Nhật (1955-1995). 

"Tăng từ 2 cm trong 1 thập kỷ đã là mức tăng nhanh, chỉ xảy ra ở các nước có nền kinh tế tăng tốc sau giai đoạn bị kìm hãm do khủng hoảng kinh tế hoặc do chiến tranh. Hiện tại, secular trend (hay hiện tượng tăng theo thời gian) về tăng trưởng chiều cao vẫn xảy ra ở các nước Hà Lan, Na-Uy, Anh... nhưng chỉ mức tăng 0,5cm/10 năm vì họ đã trải qua giai đoạn tăng hơn 2 cm/10 năm trong một thời kỳ dài", GS Tuyên nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu Viện Dinh dưỡng, mức tăng nhanh như vậy là nhờ chăm sóc 1.000 ngày vàng đầu đời để giảm suy dinh dưỡng thấp còi (thấp về chiều cao). Cụ thể, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi tại nước ta đã giảm xuống từ 59% vào năm 1985 xuống còn 19,6% vào năm 2020.

"1.000 ngày đầu đời là giai đoạn cần can thiệp tích cực để sau này người trưởng thành đạt chiều cao theo tiềm năng di truyền. Bỏ lỡ chăm sóc tốt trong 1.000 ngày vàng đầu đời thì không gì có thể bù đắp được", GS Tuyên nhấn mạnh. 

1.000 ngày đầu đời tức là từ khi thụ thai cho đến 2 tuổi. 1.000 ngày "vàng" của bé được chia như sau: 270 ngày mẹ mang thai + 365 ngày nuôi con năm đầu tiên + 365 ngày nuôi con năm thứ hai. 1.000 ngày vàng được y học hiện đại và các nghiên cứu khoa học thừa nhận là giai đoạn quyết định. 

Năm 2018, Chương trình Sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chương trình được triển khai trên quy mô toàn quốc từ năm 2018 đến năm 2030. Một trong 3 mục tiêu quan trọng được đặt ra là bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân. 

Trong đó, đặt mục tiêu vào năm 2025, chiều cao trung bình của thanh niên (18 tuổi) đạt 167cm với nam và 156cm mới nữ. Đến năm 2030, con số này tương ứng sẽ là 168,5cm và 157,5cm. 

Năm 2011, Việt Nam đã có đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Đề án xây dựng các chỉ số sinh học và tiêu chí, tiêu chuẩn phát triển thể lực, tầm vóc. 

Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2020 là 73,7 tuổi (tăng 0,1 tuổi so với năm 2019): 73,6 tuổi), đứng thứ 56 trong tổng số 138 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 khu vực ASEAN chỉ sau Singapore. 

Việt Nam tiếp tục duy trì 14 năm liên tiếp từ năm 2006 đạt mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2020 ước tính là 2,12 con/phụ nữ. 

Tỷ số giới tính khi năm 2020 là 112,1 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh và tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh ước tính là 50%. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm