Trong 25 năm, chiều cao người Việt chỉ tăng 3cm
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm được 3cm, hiện đạt 164cm ở nam và 153 ở nữ. Chiều cao này thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực Châu Á.
Sáng 31/1, tại Lễ phát động Phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu tại Việt Nam và triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới, Bộ trưởng Tiến cho biết mục tiêu đến năm 2020 sẽ tăng chiều cao của trẻ em 5 tuổi từ 1,5 đến 2 cm so với năm 2010, tăng chiều cao đạt được của người trưởng thành theo giới từ 1 đến 1,5cm so với năm 2010. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi toàn quốc xuống 21,5%, ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên xuống dưới 28%, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng gày còm ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 5%, tăng tỷ lệ trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đạt 35%.
Trong các nguyên nhân khiến người Việt chậm phát triển chiều cao, Bộ trưởng Tiến cho rằng có trên 50% là vai trò của bảo đảm dinh dưỡng và rèn luyện thể lực, ngoài ra là các yếu tố khác như di truyền, tâm lý, sức khỏe...
Chiều cao của cả nam giới và nữ giới Việt Nam tăng rất ít trong nhiều năm qua và hiện nay đang thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực Châu Á. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm được 3 cm và hiện đạt 164 cm ở nam và 153 cm ở nữ, còn cách rất xa so với mục tiêu đã đặt ra. Để cải thiện chiều cao của người Việt Nam thì cần phải có những giải pháp can thiệp mạnh mẽ, đặc biệt là về dinh dưỡng trong những năm đầu đời của trẻ, dinh dưỡng và vận động thể lực cho lứa tuổi tiền dậy thì và dậy thì.
“Bộ Y tế sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ ngành nghiên cứu, xây dựng, ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến dinh dưỡng và hoạt động thể lực. Bên cạnh đó sẽ xây dựng các khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, tập trung giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, dinh dưỡng dự phòng và điều trị các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng; ưu tiên việc chăm sóc sinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời, bao gồm chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng từ khi mang thai đến khi trẻ được 2 tuổi”.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, quá trình triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo chỉ thị của Thủ tướng chính phủ, ngoài vấn đề chiều cao, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, rồi béo phì ở trẻ còn rất khó khăn.
Theo thống kê năm 2015, tỷ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ em trên toàn quốc là 5,3%, đặc biệt tỷ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh đã tăng gấp 3 lần trong hơn 10 năm qua từ 3,7% lên 11,5%; tỷ lệ này ở học sinh phổ thông cũng tăng gấp đôi từ 11,6% lên 21,9%.
Hiện tại nước ta có khoảng 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực; hơn một nửa số người trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây và người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Ước tính Việt Nam hiện có tới 12 triệu người bị mắc tăng huyết áp và khoảng 3 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường, trên 2 triệu người mắc bệnh hô hấp mạn tính và mỗi năm có trên 125.000 ca được phát hiện mắc ung thư.
Vì thế, mục tiêu đặt ra cần cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em, giảm suy dinh dưỡng thấp còi, giảm tỉ lệ cân nặng sơ sinh thấp, tăng bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời...
Mục tiêu nhằm giảm tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của người dân; Cải thiện tầm vóc của người Việt Nam; Cải thiện số lượng và chất lượng bữa ăn của người dân, từng bước kiểm soát tình trạng thừa cân - béo phì và yếu tố nguy cơ của một số bệnh mạn tính không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng ở người trưởng thành.
Hồng Hải