Chỉ số PSA và bệnh ung thư tiền liệt tuyến

(Dân trí) - Ở giai đoạn đầu, ung thư tiền liệt tuyến không có triệu chứng rõ ràng nên rất khó phát hiện. Chỉ số PSA được đánh giá là bước đột phá trong việc phát hiện và điều trị ung thư tiền liệt tuyến.

PSA là một kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt, được tiết ra từ các tế bào biểu mô của tuyến này.

Phần lớn PSA trong máu đều gắn với các protein huyết tương. Chỉ có khoảng 30% PSA tự do không gắn với các protein. Các PSA tự do này không có khả năng phân hủy protein. Đây chính là lý do chỉ số PSA được coi là dấu ấn của ung thư tiền liệt tuyến.

Theo bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), tỷ lệ chỉ số PSA tự do/PSA toàn phần được dùng để chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến nếu nồng độ PSA tự do nằm trong khoảng 4 – 10 ng/ml. Nếu tỷ lệ PSA tự do/PSA toàn phần dưới 15%, nguy cơ bị ung thư tiền liệt tuyến là rất cao.

Khi nào nên thực hiện xét nghiệm PSA?

Chỉ số PSA và bệnh ung thư tiền liệt tuyến - 1

. Chỉ số PSA được đánh giá là bước đột phá trong việc phát hiện ung thư tiền liệt tuyến.  

Thực tế, không phải ai cũng được thực hiện xét nghiệm PSA. Phương pháp này chỉ được áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt. Cụ thể như:

- Khi muốn sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến. Nam giới từ 50 trở lên nên thực hiện xét nghiệm PSA hàng năm để sàng lọc và phát hiện bệnh sớm.

- Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến cũng nên tiến hành sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến từ năm 40 tuổi trở đi.

- Xét nghiệm PSA được dùng để theo dõi hiệu quả của quá trình điều trị ung thư tiền liệt tuyến cũng như nguy cơ tái phát bệnh. Tùy theo từng mức độ bệnh cụ thể, xét nghiệm PSA cần được theo dõi sau khi điều trị ung thư tiền liệt tuyến từ 6 đến 36 tháng.

Hà An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm