Nam giới nào dễ mắc ung thư tiền liệt tuyến?

Tiền liệt tuyến là cơ quan chỉ có ở nam giới, ung thư tiền liệt tuyến xảy ra khi các tế bào tuyến tiền liệt phát triển mất kiểm soát.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2018, ung thư tiền liệt tuyến đứng thứ 4 trong các loại ung thư phổ biến với số lượng 1.276.106 ca mắc mới và 358.242 ca tử vong. Tại Việt Nam, ung thư tiền liệt tuyến đứng hàng thứ 11 với 3.959 ca mới mắc và có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 13 với 1.873 ca tử vong trong năm 2018.

Tiền liệt tuyến nằm phía dưới bàng quang và phía trên trực tràng, nằm cạnh tuyến tiền liệt là túi tinh, đường dẫn nước tiểu đi xuyên qua trung tâm của tuyến tiền liệt. Kích thước của tuyến tiền liệt thay đổi theo độ tuổi. Ở nam giới trẻ tuổi, kích thước tuyến tiền liệt tương đương với kích thước của quả óc chó và lớn hơn khi nam giới về già.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hầu hết tế bào ung thư tuyến tiền liệt thuộc loại ung thư biểu mô tuyến, trong một số trường hợp tế bào ung thư tuyến tiền liệt phát triển nhanh nhưng hầu hết là sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt thường rất chậm và không có biểu hiện về bệnh lý ở bệnh nhân ở giai đoạn sớm. Chính vì vậy, rất nhiều bệnh nhân chỉ phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn dẫn tới điều trị rất khó khăn và có khả năng gây tử vong.

Ung thư tiền liệt tuyến được chia thành 4 giai đoạn như sau:

Giai đoạn I: Tế bào ung thư chỉ khu trú ở tuyến tiền liệt, kích thước tiền liệt tuyến không to hơn so với kích thước bình thường

Giai đoạn II: Tế bào ung thư vẫn ở tuyến tiền liệt nhưng đã phát triển, kích thước tuyến tiền liệt phình lớn, lúc này đã có thể phát hiện ung thư tiền liệt tuyến bằng các phương pháp xét nghiệm PSA và thăm khám trực tràng.

Giai đoạn III: Tế bào ung thư đã lây lan sang các cơ quan bên cạnh tuyến tiền liệt như túi tính, cơ thắt niệu đạo, trực tràng, bàng quang…

Giai đoạn IV: Tế bào ung thư đã lây lan sang hạch bạch huyết và các cơ quan ở xa khác như gan, phổi…

Các nghiên cứu chỉ ra rằng: Ung thư tiền liệt tuyến hiếm khi xảy ra với những bệnh nhân dưới 40 tuổi. Tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt cao nhất ở độ tuổi trên 50 đến 65 tuổi. Một số yếu tố khác được thống kê cho thấy tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao như địa lý (khu vực Bắc Mỹ, Bắc Âu, châu Úc), chủng tộc (đàn ông châu Phi, châu Mỹ), những người có anh em ruột bị ung thư tiền liệt tuyến có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi người bình thường.

Ngoài những yếu tố trên, còn một số yếu tố được cho là có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến, tuy nhiên các bằng chứng khoa học cụ thể thì vẫn chưa được đưa ra. Những yếu tố nguy cơ đó bao gồm: chế độ ăn (ăn nhiều thịt đỏ, ăn ít rau), bèo phì, hút thuốc, mắc bệnh lây qua đường tình dục, viêm tuyến tiền liệt, tiếp xúc với hóa chất, thắt ống dẫn tinh…

Những triệu chứng của ung thư tiền liệt tuyến

Giai đoạn sớm của ung thư tuyên tiền liệt thường không có những biểu hiện cụ thể với sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt có thể được phát hiện ở giai đoạn sớm nếu được thực hiện các xét nghiệm sàng lọc.

Ở giai đoạn tiến triển, những biểu hiện của bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt thường có những đặc trưng như sau:

- Khó khăn trong việc đi tiểu bao gồm tiểu chậm, yếu và phải đi tiểu thường xuyên; đặc biệt nhiều lần vào ban đêm.

- Có lẫn máu trong nước tiểu hoặc trong tinh dịch.

- Rối loạn cương dương.

- Đau ở hông, lưng, ngực hoặc đau ở các vùng khác nhưng lan tỏa tới xương.

- Yếu, tê bì ở bàn chân, mất kiểm soát tiểu tiện hoặc đại tiện do khối u di căn xương chèn ép tủy sống.

Làm sao để phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt?

Khám sàng lọc ung thư là phương pháp kiểm tra nhằm phát hiện bệnh trước khi bệnh nhân có những biểu hiện bệnh lý. Khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm thì việc chữa trị thường đơn giản hơn rất nhiều so với bệnh nhân bị ung thư ở giai đoạn muộn.

Bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm bằng xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt.

Một phương pháp khác để xác định ung thư tiền liệt tuyến là khám trực tràng. Do tuyến tiền liệt nằm trên trực tràng nên bằng cách khám trực tràng bác sĩ có thể xác định tiền liệt tuyến có lớn bất thường hay không một cách tương đối chính xác.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm