Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư đang điều trị
(Dân trí) - Trong quá trình điều trị bệnh ung thư, người bệnh cần có một chế độ dinh dưỡng và sức khỏe thật tốt vừa để chiến đấu với căn bệnh, vừa đáp ứng được các phương pháp điều trị.
Theo Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai, dinh dưỡng là một phần quan trọng trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân ung thư. Bệnh ung thư có thể ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng, ngược lại tình trạng dinh dưỡng kém ảnh hưởng đến đáp ứng điều trị, cách thức điều trị ung thư và chất lượng cuộc sống.
Trong quá trình điều trị bệnh ung thư, người bệnh cần có một chế độ dinh dưỡng và sức khỏe thật tốt vừa để chiến đấu với căn bệnh, vừa có thể đáp ứng được các phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị... và giúp người bệnh hồi phục sau điều trị thành công.
Dinh dưỡng khi điều trị phẫu thuật
Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ cần thêm calo và protein để chữa lành vết thương, phục hồi sức khỏe. Trong quá trình hồi phục, cần cố gắng phục hồi sớm và duy trì tình trạng dinh dưỡng tốt, ưu tiên các biện pháp dinh dưỡng hỗ trợ đường miệng để tối ưu hóa khẩu phần dinh dưỡng. Một số bệnh nhân khó có thể ăn một chế độ ăn bình thường vì các tác dụng phụ liên quan đến phẫu thuật. Vì vậy cần có biện pháp thích hợp như: ăn qua sonde, dinh dưỡng đường tĩnh mạch…
Một số bệnh nhân đòi hỏi có tư vấn dinh dưỡng riêng để giải quyết hậu quả sau mổ cắt dạ dày và đường tiêu hóa như hội chứng Dumping, hội chứng ruột ngắn.
Dinh dưỡng khi xạ trị
Các tác dụng phụ gây ra bởi bức xạ phụ thuộc vào khu vực cơ thể được xạ trị, kích thước của khu vực được xạ trị, loại, tổng liều xạ trị, số lần điều trị… Tác dụng phụ thường bắt đầu vào khoảng tuần thứ hai hoặc thứ ba của điều trị và đạt đỉnh khoảng hai phần ba chặng đường của quá trình điều trị. Hầu hết tác dụng phụ đều là tạm thời, thường khỏi sau khi kết thúc điều trị tia xạ từ 2-4 tuần, một số ít có thể kéo dài lâu hơn nhiều.
Khi xạ trị có thể gây ra buồn nôn, nôn, mất cảm giác ngon miệng, thay đổi mùi vị, các vấn đề về răng (viêm chân răng, chảy máu chân răng), viêm cơ, tiêu chảy, kém hấp thu do tổn thương ruột, giảm chức năng miễn dịch.
Ảnh hưởng của tia xạ thay đổi theo vùng chiếu. Tia xạ vùng đầu cổ gây ra rất nhiều vấn đề về tiêu hóa thức ăn như: đau họng, nhiễm trùng miệng, viêm màng nhầy, khô miệng kéo dài, mất cấu trúc răng lợi, thay đổi mùi vị, chán ăn, mệt mỏi. Những triệu chứng này xuất hiện trong vòng 7-10 ngày từ khi bắt đầu điều trị. Tia xạ vùng ngực gây viêm thực quản kèm khó nuốt. Tia xạ vùng bụng có thể gây viêm dạ dày, viêm ruột cấp với biểu hiện buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán ăn. Nếu viêm nặng có thể kèm theo kém hấp thu đường đôi, mỡ, điện giải. Tia xạ toàn thân có thể gây tất cả các triệu chứng cấp tính ở trên tùy mức độ. Khi kèm với hóa trị liệu, tia xạ còn ức chế hệ miễn dịch. Một số thực phẩm nhất định có thể làm tăng khả năng tổn thương răng miệng của bệnh nhân:
- Thực phẩm có gia vị cay nồng.
- Thực phẩm cứng, có góc cạnh sắc gây khó nhai, nuốt.
Bệnh nhân nên ăn những thực phẩm mềm, dễ dàng nhai và nuốt như trái cây mềm, phô mai, bún, mì, miến, sữa, bột ngũ cốc... Nên tránh ăn cay, mặn, tránh các loại trái cây có vị chua.
Ở bệnh nhân ung thư đầu và cổ, chăm sóc miệng cẩn thận và quản lý răng là cần thiết để giảm nguy cơ hỏng răng, lợi hoặc hoại tử mô xương do tia xạ.
Viêm ruột do tia xạ gây ra có thể thành mãn tính với các triệu chứng loét hoặc tắc nghẽn làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng. Viêm ruột mạn tính kết hợp với cắt ruột nhiều gây ra mất chức năng ruột hoặc hội chứng ruột ngắn. Mức độ nặng của bệnh phụ thuộc vào độ dài và vị trí mất chức năng hay đoạn ruột bị cắt. Tình trạng bệnh lý đó bao gồm kém tiêu hóa, kém hấp thu, suy dinh dưỡng, mất nước và bất thường chuyển hóa cơ thể, nặng có thể gây tử vong.
Giai đoạn đầu đòi hỏi nuôi ăn tĩnh mạch và giám sát thường xuyên dịch và điện giải trong nhiều tuần, nhiều tháng. Giai đoạn sau nuôi ăn tĩnh mạch kết hợp chế độ ăn theo dõi nghiêm ngặt với công thức nuôi ăn qua sonde hoặc chia bữa nhỏ nhiều lần. Các bữa ăn có nhiều carbohydrate phức hợp, ít mỡ, ít oxalate, không có lactose, nhiều protein, chế biến mềm.
Dinh dưỡng khi điều trị hóa chất
Khi điều trị bằng hóa trị liệu có thể gây nên các vấn đề có liên quan tới dinh dưỡng như sau: suy tủy, ức chế sản xuất bạch cầu, bất thường khẩu vị, viêm màng nhầy, viêm thực quản, buồn nôn, nôn và mệt mỏi, thiếu máu, chức năng hệ miễn dịch giảm sút.
Bất thường vị giác dẫn đến biếng ăn và ăn rất ít, tiêu chảy hoặc táo bón, hay tắc ruột (nhu động ruột bị ức chế có thể xuất hiện). Các triệu chứng ngộ độc dạ dày, ruột thường không kéo dài, tuy nhiên một số trường hợp điều trị phối hợp nhiều hóa chất có thể gây nặng và kéo dài. Khi điều trị corticosteroid gây ra phá hủy mô, tăng mất protein, kali và canxi qua nước tiểu, rối loạn chuyển hóa protein....
Hóa trị liệu hoặc xạ trị ở vùng đầu - cổ có thể gây ra sự giảm tiết nước bọt và dẫn đến khô miệng, góp phần làm tình trạng chán ăn càng trầm trọng.
Trong những trường hợp này, cần lưu ý:
- Nên ăn thức ăn mềm hoặc chế biến nhiều nước; nhai kẹo cao su hoặc ăn thêm hoa quả chua lượng vừa phải nhằm tăng tiết nước bọt.
- Tránh ăn nhiều đường.
- Sử dụng đồ tráng miệng ướp lạnh ít.
- Vệ sinh răng miệng và súc miệng nước muối tối thiểu 4 lần trong một ngày.
- Uống nhiều nước và uống từng ngụm trong vài phút.