1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chàng trai nhiễm khuẩn huyết vì... nặn mụn

Tú Anh

(Dân trí) - Thấy có mụn ở mép môi, thanh niên 19 tuổi ở Hà Nội tự lấy tay nặn mụn. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện tình trạng sốt, cơn rét run... Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết.

Ngày 30/7, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin về ca bệnh nhiễm khuẩn huyết vì nặn mụn.

Nam thanh niên sinh năm 2005 ở Hà Nội, nhập viện trong tình trạng sốt, có các cơn rét run, vùng má bên trái sưng nề, chảy dịch mủ.

Thời điểm trước nhập viện, bệnh nhân đã dùng tay nặn mụn ở mép môi dưới.

Sau khi nặn mụn, bệnh nhân sốt 38 độ, có gai rét và cơn rét run, ở nhà đã tự dùng thuốc hạ sốt, không đỡ. Ở thời điểm vào viện, bệnh nhân sốt cao 38,5 độ, có cơn rét run, môi khô; vùng môi má bên trái sưng nề, chảy dịch mủ, há miệng hạn chế; khó thở nhẹ, đau tức ngực, hỗ trợ thở oxy gọng kính 3l/p.

Chàng trai nhiễm khuẩn huyết vì... nặn mụn - 1

Chỉ từ vết mụn nhỏ dưới mép, bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, phải nhập viện điều trị (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

Đại tá - Tiến sĩ Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán cho thấy bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết do staphylococcus aureus; có ổ nhiễm khuẩn thứ phát viêm phổi hoại tử 2 bên.

Theo tiến sĩ Mạnh, mụn là tổn thương ngoài da phổ biến ở mọi lứa tuổi. Bã nhờn, tế bào da chết và vi khuẩn mắc kẹt trong lỗ chân lông là nguyên nhân gây ra mụn nhọt, với biểu hiện là những vết sưng đỏ, mềm, có mủ trắng ở đầu.

Khi mụn hình thành, lỗ chân lông sưng lên và chịu nhiều áp lực. Việc nặn mụn có thể phá vỡ cấu trúc da, gây viêm và nhiễm trùng rộng hơn, phá hủy vòng viêm tại chỗ, hình thành những nốt mụn khác xung quanh.

Nhất là với mụn ở vùng mặt càng phải cẩn trọng, bởi ở vùng mặt có một khu vực gọi là vùng tam giác nguy hiểm, khu vực này bị viêm có thể gây các bệnh như: Nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, liệt cơ vùng mặt, tổn thương dây thần kinh vùng mặt gây liệt cơ mặt, thậm chí tử vong.

Khi nặn mụn, vết thương do nặn mụn có nguy cơ nhiễm trùng lan rộng. Nếu vết thương xuất hiện trên nền bệnh suy giảm miễn dịch đi kèm như đái tháo đường, suy thận, ung thư… thì bệnh nhân rất dễ bị viêm mô tế bào. Khi diễn tiến nhiễm trùng trở nặng hơn nữa, vi trùng sẽ đi vào máu gây ra nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng.

Nhiễm khuẩn huyết là tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân, gây ra bởi sự xâm nhập của vi khuẩn và các độc tố vi khuẩn vào máu. Trong bệnh lý nhiễm khuẩn huyết thường xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tỷ lệ tử vong cao.

"Bất kỳ tổn thương nào trên cơ thể cũng có thể gây nên tình trạng nhiễm khuẩn và có nguy cơ nhiễm khuẩn huyết", bác sĩ điều trị nhấn mạnh.

Để phòng nguy cơ nhiễm khuẩn, khi cơ thể có tổn thương, mụn... cần vệ sinh sạch sẽ, xử lý sớm các ổ nhiễm khuẩn. 

Mọi người cũng không nên tự ý nặn mụn, không dùng tay sờ liên tục vào vết mụn. Với những mụn ở vùng tam giác trên mặt càng cần cẩn trọng, nếu thấy đau, sưng, có mủ... tốt nhất nên đến viện khám để được xử trí.

Để xác định vùng tam giác nguy hiểm trên mặt, nên làm như sau: Đặt bàn tay sao cho đầu ngón tay giữa chạm xương mũi, lòng bàn tay ôm trọn vùng mũi, miệng và cằm.

Khu vực này có rất nhiều tĩnh mạch nối các dây thần kinh khu vực xương sọ giúp vận chuyển máu đến não. Các tĩnh mạch thông thường đều có van để ngăn máu chảy ngược chiều, tuy nhiên tĩnh mạch ở khu vực này đều là loại không van. Khu vực tam giác bị viêm nhiễm có thể gây nên nhiều bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm cho sức khỏe.