Chẩn đoán ung thư đại tràng có nhất thiết phải nội soi?
(Dân trí) - Nhiều người khi xuất hiện các rối loạn tiêu hóa, lo ngại ung thư nhưng lại sợ nội soi đại tràng. Có các phương pháp nào để chẩn đoán mà không cần nội soi?
TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, có tới 70-80% bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở Việt Nam được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Mỗi ngày Bệnh viện K phẫu thuật 12 đến 16 ca ung thư đại trực tràng, tương đương mỗi năm từ 4.000 - 5.000 ca.
Bệnh ung thư đại trực tràng có nguy cơ mắc từ tuổi 40. Vì thế, chuyên gia khuyến cáo việc đi khám sức khỏe định kỳ, tầm soát phát hiện sớm để điều trị kịp thời ung thư đại trực tràng là rất quan trọng.
Trước đây, bác sĩ khuyến cáo sau 50 cần thực hiện nội soi đại trực tràng, nhưng nay, lứa tuổi cần tầm soát đã sớm hơn. Theo đó, sau 40 tuổi, cần thực hiện tầm soát theo định kỳ.
Theo PGS Bình, nhiều người ngại nội soi đại tràng, nhưng đây là phương pháp hữu hiệu nhất phát hiện những bất thường ở đại tràng, trong đó có cả ung thư.
Việc khám sàng lọc và nội soi đại trực tràng giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng, đặc biệt cắt polyp qua nội soi giúp giảm tới 80% tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng.
Dưới đây là các phương pháp được sử dụng để tầm soát ung thư đại trực tràng:
- Soi đại tràng: Là phương pháp hữu hiệu nhất, giúp phát hiện các khối u ở kích thước cỡ vài milimet, hoặc các bất thường khác của đại tràng như polyp đại tràng, túi thừa, các tổn thương loét, viêm do nhiễm khuẩn…
Ngày nay, phương pháp nội soi đại tràng được thực hiện rất đơn giản. Người bệnh sợ có thể tiến hành gây mê để nội soi mà không gây hại cho sức khỏe.
- Xét nghiệm máu trong phân: Khối u đại tràng thường có hiện tượng hoại tử, chảy máu, do đó trong phân thường có hồng cầu (xét nghiệm này cũng ít ý nghĩa ở giai đoạn sớm).
- Xét nghiệm các dấu ấn ung thư: Bao gồm các dấu ấn CEA, CA 19-9 là 2 dấu ấn thường được sử dụng trong chẩn đoán ung thư đại tràng.
- Các xét nghiệm khác: Chụp X-quang ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chụp PET… chỉ có giá trị đánh giá giai đoạn bệnh, mà ít ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh, đặc biệt giai đoạn sớm của bệnh.