Nghi ngờ bị ung thư đại tràng: Cần khám gì để phát hiện bệnh?

Minh Nhật

(Dân trí) - Ung thư đại tràng là ung thư gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới sau ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan.

Phát hiện ung thư đại tràng sớm giúp tăng cơ hội sống

Nghi ngờ bị ung thư đại tràng: Cần khám gì để phát hiện bệnh? - 1

Theo Bệnh viện Quân y 103, ung thư đại tràng được xác định là giai đoạn sớm khi khối u mới chỉ khu trú ở đại tràng:

- Giai đoạn rất sớm: Khối u mới chỉ ở lớp niêm mạc và xâm lấn xuống một phần lớp hạ niêm mạc, nếu phát hiện sớm có thể can thiệp cắt qua nội soi đại tràng.

- Giai đoạn sớm: Khối u xâm lấn qua lớp hạ niêm mạc, xâm lấn tới lớp thanh mạc (lớp áo ngoài của đại tràng), giai đoạn này vẫn còn có thể phẫu thuật được, tỷ lệ sống trên 5 năm có thể tới 90%.

Các dấu hiệu cảnh báo ung thư đại tràng mà chúng ta cũng có thể nhận biết sớm:

- Ung thư đại tràng phải: Phân thường lỏng, toàn thân thường mệt nhiều, suy nhược, thiếu máu.

- Ung thư đại tràng trái: Thường có biểu hiện hội chứng Koenig (đau, chướng, sôi bụng, khi trung tiện được thì đỡ) kèm theo phân táo lẫn nhày và máu sẫm màu hoặc máu tươi bọc lấy phân.

- Ung thư trực tràng: Thường thay đổi thói quen bài tiết phân, mót rặn, phân nhày máu sẫm hoặc máu tươi, đôi khi phân nhỏ như bút chì hoặc phân dẹt.

Đôi khi các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa cũng dễ bị nhầm lẫn với biểu hiện của ung thư đại tràng. Tuy nhiên, nếu bạn hay người thân có biểu hiện như trên, kéo dài hơn 5-7 ngày, không đỡ khi dùng thuốc kháng sinh thông thường thì nên đi khám sớm.

Khám gì để phát hiện ung thư đại tràng?

Nghi ngờ bị ung thư đại tràng: Cần khám gì để phát hiện bệnh? - 2

- Soi đại tràng: Là phương pháp hữu hiệu nhất, giúp phát hiện các khối u ở kích thước cỡ vài milimet, hoặc các bất thường khác của đại tràng như polyp đại tràng, túi thừa, các tổn thương loét, viêm do nhiễm khuẩn…

- Xét nghiệm máu trong phân: Khối u đại tràng thường có hiện tượng hoại tử, chảy máu, do đó trong phân thường có hồng cầu (xét nghiệm này cũng ít ý nghĩa ở giai đoạn sớm).

- Xét nghiệm các dấu ấn ung thư: Bao gồm các dấu ấn CEA, CA 19-9 là 2 dấu ấn thường được sử dụng trong chẩn đoán ung thư đại tràng.

- Các xét nghiệm khác: Chụp X-quang ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chụp PET… chỉ có giá trị đánh giá giai đoạn bệnh, mà ít ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh, đặc biệt giai đoạn sớm của bệnh.

Làm gì để phòng ngừa ung thư đại tràng?

Nghi ngờ bị ung thư đại tràng: Cần khám gì để phát hiện bệnh? - 3

Ung thư đại tràng có thể phòng tránh được thông qua thói quen ăn uống lành mạnh. Có nhiều yếu tố nguy cơ mà mọi người có thể phòng tránh được như:

- Hạn chế ăn các loại đồ chiên, nướng, thịt xông khói…, nên ăn thức ăn nhiều chất xơ (rau xanh, trái cây) giúp làm giảm nguy cơ này vì chất xơ giúp gia tăng tiêu thụ acid folic, gia tăng kết hợp chất xơ với các yếu tố sinh ung thư dẫn đến việc loại khỏi lòng ruột sớm vì giảm thời gian ứ đọng phân.

- Tăng cường hoạt động thể lực, vận động hay luyện tập thể dục sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.

- Cách tốt nhất để phòng và bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình là nên thực hiện tầm soát ung thư đường tiêu hóa càng sớm càng tốt. Nên lặp lại định kỳ 6 tháng, một năm, 2 năm... Việc tầm soát ung thư định kỳ và đúng phương pháp sẽ giúp phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư từ đó đem đến cơ hội chữa khỏi bệnh.