Chăm trẻ F0, bố mẹ cần đặc biệt chú ý chỉ số này
(Dân trí) - Vì trẻ em chưa thể mô tả các triệu chứng bệnh như người lớn, do đó, bác sĩ khuyến cáo, các gia đình khi điều trị trẻ em F0 cần đặc biệt chú ý đến việc theo dõi chỉ số này.
Chỉ số quan trọng cần theo dõi ở trẻ F0
Sau khi mắc Covid-19, bé N.T.A., 54 tháng tuổi, xuất hiện các triệu chứng như ho, thở khò khè nên được đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) để điều trị. Qua thăm khám, các bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn xác định bệnh nhi bị viêm phổi và được chỉ định điều trị theo phác đồ chữa viêm phổi do Covid-19 của Bộ Y tế. Qua 10 ngày điều trị, sức khỏe của A. đã dần ổn định trở lại.
Một trường hợp khác là bé gái 5 tháng tuổi P.N.A.N. nhập viện do sốt cao liên tục, kèm theo tiêu chảy cấp gây mất nước sau khi mắc Covid-19. Sau một tuần điều trị, bệnh nhi này đã qua giai đoạn nguy hiểm và ổn định sức khỏe.
Đây là 2 trường hợp trẻ F0 điển hình đang điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn. Theo BS Vũ Thị Mai - Khoa Nhi, thời gian vừa qua, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 2 - 3 bệnh nhi F0 mức độ từ trung bình trở lên. Lứa tuổi nhập viện nhiều nhất là từ sơ sinh đến 5 tuổi, trong đó chiếm phần lớn là bệnh nhân sơ sinh.
"Các bé sơ sinh F0 thường được bố mẹ đưa vào viện sau khi phát hiện SpO2 dưới 95% và có hiện tượng khò khè nhiều", BS Mai cho hay.
Vì trẻ em chưa thể mô tả các triệu chứng bệnh như người lớn, do đó, BS Mai khuyến cáo các gia đình khi điều trị trẻ em F0 cần đặc biệt chú ý đến việc theo dõi chỉ số SpO2.
BS Mai chia sẻ: "Quan trọng hàng đầu là theo dõi chỉ số SpO2 mỗi ngày 2 lần. Khi trẻ có SpO2 cần phải đưa đi khám ngay".
Bên cạnh chỉ số SpO2, theo BS Mai, khi trẻ F0 xuất hiện những triệu chứng như li bì, bỏ bú, sốt cao liên tục, mệt mỏi các vị phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan mà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế. Tại đây, các bác sĩ sẽ khám để phân tầng cho các bé. Tùy theo tình trạng bệnh mà bệnh nhi có thể tiếp tục về điều trị tại nhà hoặc cho nhập viện.
Xử trí trẻ F0 bị co giật do sốt cao
Co giật do sốt cao là tình trạng mà các bậc phụ huynh rất lo ngại khi chăm trẻ F0. Chị V.T.D.T., 30 tuổi (Hà Nội) có con 2 tuổi mắc Covid-19. Liên tục 2 ngày đầu sau khi phát hiện dương tính SARS-CoV-2, con chị T. có triệu chứng sốt. Tuy nhiên, thân nhiệt của bé chỉ duy trì ở mức 38 độ C nên chị T. không cho con sử dụng thuốc hạ sốt. Buổi sáng ngày thứ 3 mắc bệnh, con chị T. bất ngờ sốt cao dẫn đến co giật phải nhập viện.
"Sau khi kiểm tra thân nhiệt cho cháu vào buổi sáng vẫn 38 độ C, tôi đi làm việc nhà thì chỉ 30 phút sau con bắt đầu co giật, lúc này sờ trán cháu thấy rất nóng", chị T. chia sẻ.
Với trường hợp trẻ sốt cao bị co giật tại nhà, BS Mai khuyến cáo, bố mẹ cần bình tĩnh và xử trí bằng cách cởi bớt quần áo để trẻ thông thoáng, cho trẻ nằm nghiêng và dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn. Liều lượng của thuốc dựa theo cân nặng của trẻ. Sau đó, bố mẹ cần kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện để các bác sĩ xử trí.
"Với trẻ F0 điều trị tại nhà khi sốt trên 38,5 độ C, các vị phụ huynh nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, với trường hợp trẻ có tiền sử co giật, nên cho uống thuốc hạ sốt khi thân nhiệt trên 38 độ C", BS Mai phân tích.