Chăm sóc sản khoa: cần đặt ưu tiên cấp quốc gia

Nếu khai thác bệnh sử chặt chẽ của thai phụ các bất thường sẽ được phát hiện và điều trị kịp thời.

Ngày 28/10, báo chí lại đăng tải một ca mẹ, con tử vong trong khi sanh, lần này ở Đồng Nai. Một tuần trước đó, báo chí cũng đề cập một sản phụ tử vong ở Bình Dương. Thực trạng tử vong mẹ, con khi sanh rộ lên thời gian qua là hồi chuông cảnh báo đáng quan tâm. Xét về kinh tế xã hội, những cái chết trẻ sẽ để lại những hậu quả nặng nề về tình cảm lẫn tài chính cho gia đình và cộng đồng.

Chăm sóc sản khoa: cần đặt ưu tiên cấp quốc gia

Nếu khai thác bệnh sử chặt chẽ của thai phụ các bất thường sẽ được phát hiện và điều trị kịp thời (ảnh chỉ mang tính minh hoạ). Ảnh: Lệ Hà


 

Những khía cạnh chưa được lưu ý

 

Trước nhất, về mặt chuyên môn trước khi xuất hiện một vấn đề bất thường nào đó bên trong cơ thể thì cơ thể đã có biến động hoặc tổn thương một số cơ quan bên trong, xuất hiện một hoặc vài ngày trước khi sản phụ nhập viện. Những biến đổi bất thường này dứt khoát thể hiện ít, nhiều qua xét nghiệm máu, và những thay đổi về mạch, huyết áp, nhiệt độ, cũng như những cảm giác khó chịu và đau đớn của sản phụ.

 

Như thế, nếu khai thác bệnh sử chặt chẽ, thăm khám sản khoa và nội khoa tổng quát kỹ lưỡng, kết hợp với theo dõi diễn biến lâm sàng đều đặn, các bất thường sẽ được phát hiện và điều trị kịp thời. Nhưng thực tế cho thấy, một số bệnh án được ghi chép khá sơ sài, thậm chí có dấu hiệu tẩy xoá, vì thế việc chậm phát hiện các dấu hiệu bất thường dẫn đến nguy kịch cho sản phụ là điều khó tránh khỏi.

 

Tuy nhiên, theo dõi sát sao cũng chưa đủ, việc tiên lượng và ra chỉ định điều trị kịp thời, đúng cách cũng quan trọng không kém. Phân tích những ca sản phụ tử vong vừa qua, có trường hợp sản phụ nằm cả ngày trời tại bệnh viện với thai đôi, kêu đau quằn quại cho tới khi kiệt sức; cũng có trường hợp sản phụ sanh mổ xong có dấu hiệu bất thường, nhưng bác sĩ cứ khẳng định không có chuyện gì, đến khi bệnh nhân hôn mê rồi mới chuyển viện. Điều này cho thấy sản phụ đã không được bác sĩ theo dõi cả về sản khoa lẫn nội khoa đầy đủ, và khi có sự cố không được xử trí thích hợp.

 

Thai to cũng là điều cần lưu ý. Những ca tử vong sản phụ thường có thai từ 3,2 - 3,8kg. Cần phải hiểu rằng phần lớn phụ nữ các nước nghèo có khung chậu hẹp. Việc ăn uống nhiều, ngủ nhiều, ít vận động sẽ khiến thai to hơn bình thường. Thai to kết hợp với khung chậu mẹ hẹp sẽ dẫn đến chuyển dạ tắc nghẽn. Nghiên cứu ở Uganda cho thấy có tới 26% tử vong mẹ khi sanh là chuyển dạ tắc nghẽn; ở Guinea - Bissau, Ghana và Ấn Độ tỷ lệ này là 19%. Chuyển dạ tắc nghẽn có thể dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sản phụ và thai nhi như vỡ túi ối, vỡ tử cung, hoại tử thai, thuyên tắc ối.

 

Một vấn đề khác đó là việc dùng thuốc giục sanh. Một ca tử vong sản phụ được ghi nhận qua báo chí "sau khi tiêm thuốc giục sanh, đến chiều, chị T. sanh được bé gái nặng 3,8kg… Chưa đầy năm phút sau, sản phụ tái nhợt, mắt trợn ngược và lên cơn co giật rồi tử vong ngay sau đó". Trường hợp này nhiều khả năng là do sốc. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), đa phần trường hợp như vậy do chảy máu vì vỡ tử cung xuất phát từ việc dùng thuốc giục sanh. Vì thế WHO đã đưa ra những chỉ định khi nào mới được dùng thuốc này, và trên sản phụ đã dùng thuốc bác sĩ phải đánh giá tình trạng sức khoẻ của sản phụ và thai, phải theo dõi sản phụ sát sao trong tình trạng có sẵn cơ số cấp cứu đầy đủ.

 

Có thể phòng và giảm tử vong do sanh nở

 

Thống kê tỷ lệ tử vong mẹ năm 2010 của WHO cho thấy Việt Nam ở mức trung bình, nhưng cao hơn Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan. Báo cáo chung ngành y tế hàng năm (JAHR) các năm 2009, 2010 và 2011, cũng như thống kê dân số y tế quốc gia năm 2010 và 2011 cho thấy vẫn tồn tại những yếu tố nguy cơ liên quan tới chăm sóc sản khoa ở nước ta.

 

Đó là dân số tăng trong khi hạ tầng y tế phát triển chưa đủ lực để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nói chung và sản khoa nói riêng, nhân lực y tế thiếu cả số lượng và chất lượng, hệ thống quản lý y tế còn nhiều bất cập cộng với ngân sách quốc gia có hạn, mặt bằng dân trí chưa cao.

 

Tuy nhiên, theo WHO và UNICEF (2005, 2008, 2011, 2012), có thể phòng tai biến và giảm tối đa tử vong hoặc tàn tật cho sản phụ và sơ sinh nếu có một đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo đạt chuẩn và sẵn có hạ tầng y tế thiết yếu (thiết bị y tế, thuốc men và phòng mổ). Khoảng 80% tử vong mẹ có thể cứu sống khỏi tai biến sản khoa nếu được bác sĩ theo dõi sát sao và điều trị đúng cách.

 

Vì thế, thiết nghĩ bộ Y tế nên đặt chương trình chăm sóc sản khoa vào diện ưu tiên cấp quốc gia bằng cách triển khai ngay như: đào tạo bác sĩ sản khoa và nữ hộ sinh về chăm sóc sản khoa trong suốt thời kỳ mang thai, trong lúc sinh và sau sinh; đào tạo cho bác sĩ sản và đa khoa về sản khoa cấp cứu toàn diện, cũng như cho bác sĩ nhi khoa và đa khoa về chăm sóc sức khoẻ trẻ em lồng ghép; thiết lập những cơ sở chăm sóc sản khoa thiết yếu và sản khoa cấp cứu toàn diện kèm phòng mổ sanh đạt chuẩn WHO tại tuyến huyện và tỉnh; tuyên truyền giáo dục cho nhóm các cặp vợ chồng ở tuổi sinh sản về tầm quan trọng của chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em; khuyến cáo sử dụng thuốc giục sanh dựa trên hướng dẫn của WHO.

 

Theo TS.BS Trần Thị Hoa

SGTT