CDC Hà Nội: Địa bàn chuyển "vùng cam" có thể siết hoạt động không thiết yếu

Minh Nhật

(Dân trí) - Trong thời gian tới, nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, các quận huyện nâng cấp độ dịch lên "vùng cam" cũng có thể sẽ hạn chế một số hoạt động không thiết yếu.

Các địa bàn "vùng cam" có thể tạm dừng hoạt động không thiết yếu

Đống Đa hiện là quận duy nhất của Thủ đô ở cấp độ 3 (tương ứng với vùng cam). Từ 13/12, quận này cũng đã siết chặt nhiều hoạt động, trong đó có việc dừng bán hàng ăn uống tại chỗ.

Theo một lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, quận Đống Đa tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu là sự điều chỉnh phù hợp và linh hoạt với tình hình dịch thực tế tại địa phương.

CDC Hà Nội: Địa bàn chuyển vùng cam có thể siết hoạt động không thiết yếu - 1

Nhiều khu vực tại quận Đống Đa dịch đang diễn biến phức tạp (Ảnh minh họa).

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm "4 tại chỗ". Qua đó, cho phép các quận, huyện, thị xã hạn chế hoặc dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu tùy theo cấp độ dịch.

Bên cạnh việc dừng một số hoạt động không thiết yếu, theo lãnh đạo CDC Hà Nội, người dân tại vùng cam cũng sẽ được tuyên truyền về việc hạn chế di chuyển sang các khu vực khác.

Hiện tại, số ca Covid-19 của Hà Nội đang tăng nhanh, nhiều ngày liên tiếp Thủ đô đều phát hiện hơn 700 F0, đáng chú ý ngày 12/12 ghi nhận thêm 895 F0.

Bên cạnh Đống Đa, nhiều địa bàn khác cũng ghi nhận số ca Covid-19 tăng cao sau khi Hà Nội chuyển chiến lược "thích ứng Covid-19" như Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Hà Đông…

Lãnh đạo CDC Hà Nội nhấn mạnh rằng, trong thời gian tới, nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, các quận huyện nâng cấp độ dịch lên "vùng cam" cũng có thể sẽ hạn chế một số hoạt động không thiết yếu.

Lo dịch phức tạp, Hà Nội xây dựng kịch bản 3.000 F0/ngày

Trao đổi với báo chí sau cuộc họp được Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, dù số ca bệnh bình quân gia tăng mạnh nhưng thành phố vẫn kiểm soát được tình hình; thành phố sẽ xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên 3.000 ca/ngày.

Lưu ý nguy cơ lây lan dịch bệnh trong dịp lễ Noel và Tết Dương lịch 2022, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh, các cấp, các ngành phải vận động tổ chức tôn giáo tổ chức theo hình thức trực tuyến nhưng vẫn phải bảo đảm trang trọng và hạn chế tập trung đông người; tuyên truyền sâu rộng để các vị chức sắc tôn giáo, bà con giáo dân và nhân dân cùng chia sẻ, chung tay với thành phố; có phương án phòng chống dịch đảm bảo an toàn tại các điểm vui chơi, nơi thường xuyên tập trung đông người vào những ngày lễ lớn…

CDC Hà Nội: Địa bàn chuyển vùng cam có thể siết hoạt động không thiết yếu - 2

Xét nghiệm Covid-19 (Ảnh minh họa).

Thành phố đã triển khai 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh. Hà Nội cũng đã triển khai thi công xong hệ thống oxy tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra khí oxy phục vụ người bệnh; tập huấn chuyên môn trực tuyến cho tất cả các xã, phường, thị trấn và triển khai ứng dụng phần mềm để quản lý, theo dõi, điều trị cho F0 tại nhà.

Về công tác điều trị, tính đến hết ngày 12/12, Hà Nội có 9.017 trường hợp F0 đang được điều trị, trong đó có 8.017 F0 được điều trị tại các bệnh viện, cơ sở thu dung điều trị, trạm y tế lưu động, còn lại 438 bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại nhà.

Cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 19.210 ca, trong đó số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 7.297 ca, số F0 là đối tượng đã được cách ly là 11.913 ca.