Cắt móng chân sai cách, bé trai ở TPHCM gặp họa

Biên Thùy

(Dân trí) - Một tuần sau khi tự cắt móng chân và lấy khóe móng, bé trai bị biến dạng vùng ngón chân và gần như không thể vận động, tập thể dục như thường ngày.

Đó là trường hợp của em M.T. (15 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM). Cách đây không lâu, T. đến một bệnh viện ở TPHCM khám với biểu hiện đau ngón chân cái, đi phải có người dìu.

Theo lời kể của bệnh nhân, một tuần trước đó, em tự cắt móng chân và lấy khóe móng. Vài ngày sau, ngón cái bàn chân phải bị viêm đỏ, sờ thấy hơi đau.

Đến sáng ngày đi khám, phần viêm dồn lên một ụ thịt ở đầu ngón chân, tiết dịch có mùi hôi và khiến em đau nhức, đi lại khó khăn, gần như không thể vận động, tập thể dục như thường ngày.

Cắt móng chân sai cách, bé trai ở TPHCM gặp họa - 1

Vùng đầu ngón chân bệnh nhân bị đùn thịt, sưng đau và biến dạng (Ảnh: BV).

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại nhi cho biết, qua kiểm tra, bệnh nhi được chẩn đoán bị móng quặp (còn gọi là móng chọc thịt), do cắt móng chân không đúng cách, khiến phần khóe móng còn sót lại đâm vào thịt, gây viêm mô tế bào xung quanh.

Một ngày sau, bác sĩ Trọng cùng ekip điều trị tiến hành ca tiểu phẫu cho bệnh nhân. Trong vòng 30 phút, T. được rạch tháo ổ mủ và cắt bỏ một phần móng đến tận rễ để tránh tái phát. Hậu phẫu, bệnh nhân hết cảm giác đau ngón chân, đi lại bình thường và được xuất viện ngay trong ngày.

Bác sĩ Trọng thông tin, móng quặp là tình trạng phần khóe móng cắm vào thịt gây viêm và sưng đau. Bệnh gặp ở mọi đối tượng, nhưng người lớn có xu hướng bị ngón chân cái, trong khi trẻ nhỏ có thể bị tất cả các ngón.

Cắt móng chân sai cách, bé trai ở TPHCM gặp họa - 2

Bệnh nhân được tiến hành tháo mủ, xử lý vùng móng gây tổn thương ngón chân (Ảnh: BV).

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng móng quặp, như mang giày dép quá chật, chấn thương nhỏ tái phát nhiều lần, vệ sinh chân không kỹ, bệnh lý về móng, béo phì, mắc một số bệnh mạn tính như đái tháo đường, suy tim, suy thận…

Trong đó, nguyên nhân thường gặp nhất ở trẻ bị móng quặp là cắt móng chân quá ngắn, như trường hợp trên. Theo đó, việc cắt khóe sẽ làm móng mất đi định hướng cũ, khiến phần móng mới chọc thẳng vào da thịt.

Tùy vào mức độ móng quặp, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp. Ở giai đoạn sớm, ngón chân chỉ viêm và đau nhẹ, trẻ có thể ngâm chân với nước xà phòng ấm hoặc các dung dịch y tế như cồn iod, các loại gel, kem bôi tại chỗ, nhét gòn hay gạc vào kẽ móng để ngăn chặn móng đâm sâu hơn…

Trường hợp ngón chân đã sưng đau trầm trọng, có tiết dịch hoặc mủ, trẻ cần được thực hiện các xét nghiệm cơ bản cho thủ thuật. Nếu có tình trạng nhiễm trùng, bác sĩ sẽ phẫu thuật lấy trọn ổ mủ.

Để phòng ngừa tình trạng móng quặp, cha mẹ cần lưu ý cắt móng chân thẳng cho trẻ, không cắt quá ngắn hay sát rìa màu hồng của thân móng. Tốt nhất, nên chừa lại khoảng 1mm để móng mọc theo nếp cũ. Song song đó, cần cho trẻ mang giày, vớ vừa chân, đặc biệt là khi tham gia các môn thể thao.

Với những trẻ trong giai đoạn dậy thì, cần thường xuyên thay giày mới phù hợp với sự phát triển kích thước của bàn chân trẻ.

Khi thấy ngón chân trẻ sưng đau hoặc có dấu hiệu bất thường, người lớn không nên tự ý chữa trị theo kinh nghiệm bản thân hay đến các cơ sở không đảm bảo vô trùng. Thay vào đó, cần đưa trẻ đến bệnh viện sớm để được điều trị đúng, tránh nhiễm trùng lan rộng, gây biến chứng hoại tử chân.