1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Canh trứng có thực sự độc?

Đây là một phần trong nội dung mà nhiều người chuyền nhau về các loại thực phẩm kỵ nhau được xem là của Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư và Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội). Nhìn vào tờ rơi này và đọc trên net, nhiều người không khỏi giật mình lo sợ.

Cà chua kết hợp với khoai tây có thể gây ung thư; ốc, trai, hến nếu dùng với cà chua, cam, chanh tạo thành chất độc bảng A; canh trứng, cà chua nấu với lá hành gây độc; thịt chó với nước chè có thể gây ung thư; gan với giá đỗ cũng gây... ung thư; mật ong dùng với sữa đậu nành có thể chết người...

 

TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai), đã bác bỏ ngay những thông tin lan truyền trên mạng và khẳng định: Trung tâm chống độc chưa bao giờ đưa ra khuyến cáo về “những chú ý khi dùng phối hợp thực phẩm trong bữa ăn” dù là cùng đứng tên với Viện Vệ sinh Dịch tễ hay đứng một mình. Ông Duệ cho biết Trung tâm cũng chưa bao giờ nghiên cứu, xét nghiệm về việc phối hợp giữa các loại thực phẩm nên những thông tin trên là tài liệu giả mạo. Thông tin này thiếu cơ sở khoa học và không có giá trị. Ông Duệ cho biết Trung tâm Chống độc sẽ đề nghị các cơ quan chức năng điều tra và ngăn chặn kẻ giả danh hai cơ quan khoa học để phát tán thông tin không chính xác và sai lạc này.

 

Liên quan đến thông tin trên, PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, khẳng định cơ quan này cũng chưa từng phát ra bất kỳ thông tin nào về việc khuyến cáo dùng những món ăn kỵ nhau hằng ngày.

 

Cùng ngày, ông Trần Quang Trung, Chánh Thanh tra Bộ Y tế, cho biết thanh tra bộ sẽ tìm hiểu và xác minh việc giả mạo các cơ quan chức năng để phát tán thông tin này.

 

PGS Phạm Công Thành, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), cho biết về nguyên tắc, khi các chất hữu cơ tác dụng với nhau, chúng không thể gây nên những phản ứng tức thì. Thực tế vẫn có những cặp thực phẩm kỵ nhau nhưng chúng chỉ có thể gây những phản ứng chậm. Thường sau khi ăn một thời gian có thể gây đau bụng, khó tiêu, đi ngoài... chứ không thể gây ngộ độc chết người.

 

Ông Thành cho rằng thông tin về những thức ăn kỵ nhau đang lan truyền không có cơ sở khoa học. Ông lý giải nếu kết hợp rau dền (có tính lạnh) với ba ba (có tính lạnh) với những người cơ địa yếu có thể chỉ đến mức đau bụng hoặc tiêu chảy, chứ không thể dẫn đến chết người. “Nếu thực tế có những vụ ngộ độc, chết người hàng loạt do phối hợp thực phẩm, cơ quan chức năng sẽ phải nghiên cứu khoa học và có những khuyến cáo hết sức rõ ràng trong việc sử dụng thực phẩm, nhưng thực tế đây vẫn chỉ là những thông tin được truyền tai nhau. Điều này chứng tỏ những kinh nghiệm được đúc rút phát cho người dân ở những tờ khuyến cáo kia là chưa được kiểm chứng, PGS Thành khẳng định.

 

PGS. TS Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho rằng: “Những thực phẩm không tương thích phối hợp với nhau sẽ làm cho thực phẩm giảm chất dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa nhưng khó có thể gây chết người. Ăn gan với giá đỗ sẽ bị ung thư là nói bừa bãi. “Thực tế, tôi chưa nhận được một báo cáo nào về ngộ độc, chết người do sử dụng những thực phẩm kỵ nhau”, ông Đáng nhấn mạnh.

 

Ông Đáng cho biết trước đây Cục An toàn vệ sinh thực phẩm có khuyến cáo về việc không nên dùng chung các cặp thực phẩm, vì có thể làm cho thực phẩm mất chất dinh dưỡng, khó tiêu hóa... Chẳng hạn, không nên dùng sữa đậu nành và trứng gà, vì trong sữa đậu nành có protidaza kiềm chế protein trong trứng gà, ảnh hưởng đến tiêu hóa, gây khó tiêu, đầy bụng. Hay không dùng cùng lúc sữa bò với nước cam, quýt, bởi nước cam, quýt có axit pectic làm biến tính cazein trong sữa bò gây khó tiêu.

 

Với những thông tin mà Cục An toàn vệ sinh từng công bố so với bản “Thông tin về thức ăn kỵ nhau” cho thấy nhiều thông tin tại đây là sai và không có cơ sở khoa học.

 

Theo Ngọc Dung

Người lao động

Dòng sự kiện: Thuốc từ quả