1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cần trên 2.000 tỷ để khắc phục vấn nạn rác thải y tế

(Dân trí) - Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện mới chỉ có 40% được xử lý đốt trong các lò đủ tiêu chuẩn. 33% được đốt bằng lò thủ công, 27% được đốt ngoài trời hoặc chôn lấp. Để hoàn thiện hệ thống rác thải rắn, lỏng trên toàn quốc cần tới trên 2.000 tỷ đồng.

Vấn đề xử lý nước thải y tế của 1.051 bệnh viện trên toàn quốc hiện cũng mới đạt 33,7%; gần 30% BV khác có hệ thống xử lý nhưng chưa đạt yêu cầu và trên 30% BV còn lại có nước thải không hề được xử lý.

Ngày 25/11, đoàn công tác Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đứng đầu đã đến thăm và kiểm tra công tác xử lý rác thải y tế của BV Thanh Nhàn và BV Xanh Pôn.

Tại BV Thanh Nhàn, trạm xử lý nước thải theo quy trình hiện đại của BV này được đưa vào vận hành từ cuối năm 2006, với công suất xử lý mà BV đang triển khai trung bình khoảng 400 m3/ một giờ. Kinh phí cho việc xử lý nước thải vào khoảng 254.000đ/ ngày. Về chất thải rắn y tế, theo thống kê của BV Thanh Nhàn, trung bình mỗi ngày BV này thu gom gần 700kg, trong đó đa phần là chất thải y tế nguy hại và một lượng nhỏ chất thải tái chế (khoảng 17kg/ ngày).

Tại BV Xanh Pôn, quy trình xử lý rác thải y tế cũng đã được thực hiện khá nghiêm túc. Ông Lê Văn Điềm, Giám đốc BV cho biết, rác thải y tế được phân loại từ các khoa, phòng sau đó vận chuyển đến nhà tập kết, giao cho công ty môi trường vận chuyển, xử lý theo đúng quy trình. Kinh phí cho việc vận chuyển, xử lý này khoảng 977 triệu đồng/năm. Trạm xử lý nước thải y tế của BV mới được vận hành hơn 2 tháng, theo quy trình hiện đại với công suất 400m3/ ngày.

Sắp tới, Bộ Y tế tiếp tục quy hoạch các chất thải rắn và sẽ chỉ đạo Sở Y tế, các bệnh viện tại các tỉnh, thành phải nghiêm túc thực hiện đốt tập trung trong các lò đủ tiêu chuẩn và chuẩn hoá hệ thống xử lý nước thải y tế. Bộ Y tế dự trù kinh phí hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải là khoảng 1.200-1.500 tỷ đồng; 800 - 1.000 tỷ đồng cho hệ thống xử lý rác thải.

P. Thanh