Cẩn thận với các loại đồ uống chứa cồn
“Uống nhiều rượu methanol có thể gây tử vong hoặc mù mắt. Nếu sau khi uống rượu, người uống cảm thấy đau đầu, chóng mặt đó là biểu hiện của việc bị ngộ độc cấp thấp”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết.
Những nguy cơ tiềm ẩn từ rượu quê
Đối với những loại rượu quê do người nhà nấu nghiêm chỉnh thì người uống chỉ có thể yên tâm về khâu nguyên liệu chứ chất lượng chưa thực sự an toàn. Nguyên do bởi quá trình nấu rượu thủ công không thể khử được những tạp chất và độc tố có hại cho sức khỏe như Methanol, Andehit…
Chưa kể những loại gắn mác rượu quê hay rượu nếp gia truyền được bán tràn lan khắp nơi từ làng quê đến đô thị thì mức độ “sạch” lại ở tình trạng đáng báo động.
TS Đàm Viết Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế khẳng định, rượu tự nấu giá rẻ, được 95,7% dân nhậu lựa chọn, ẩn chứa rất nhiều nguy cơ cho sức khoẻ. Nồng độ các chất độc trong rượu tự nấu cao hơn từ 30–80 lần so với các loại rượu do nhà máy sản xuất.
Theo số liệu điều tra từ Viện Chiến lược và Chính sách y tế, mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 450 triệu lít rượu, trong đó có tới 250 triệu lít rượu do người dân hoặc các cơ sở nhỏ lẻ tự nấu. Có thể nói tâm lý tin tưởng rượu quê đang gây nên một thực trạng đáng buồn, đó là số người ngộ độc vì loại rượu gắn mác quê đang ngày một tăng. Một thống kê cho thấy, tính tới giữa tháng 12/2012, ngộ độc vì rượu ở Việt Nam chiếm khoảng 3,5%, số người tử vong do ngộ độc rượu chiếm tới 26% trên tổng số người bị ngộc độc thực phẩm.
Bên cạnh rượu quê, rượu có xuất xứ cũng rất được cánh đàn ông ưa chuộng bởi độ tin cậy cao, được sản xuất theo công nghệ hiện đại nên có thể loại bỏ hết các tạp chất và độc tố.
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý Thị trường, 60% rượu ngoại ở Việt Nam là hàng giả, hàng kém chất lượng. Đây cũng là một con số khiến những người sính rượu ngoại phải giật mình lo lắng. Hay như vụ ngộ độc do uống rượu của cty Rượu Hà Nội có trụ sở ở quận Long Biên, Hà Nội mới đây cũng khiến người tiêu dùng phải hồ nghi.
Theo kết quả xét nghiệm rượu trong máu bệnh nhân cũng như mẫu rượu bệnh nhân đã uống của Trung tâm Chống độc, khoảng 50% mẫu rượu chứa methanol, cồn công nghiệp, thậm chí nhiều mẫu chứa methanol ở nồng độ rất nguy hiểm. Điều này cho thấy tình trạng pha cồn, methanol vào rượu uống, nhất là các loại rượu trắng cộng đồng tự nấu (rượu cuốc lủi, rượu quê) hiện rất phổ biến.
Theo Tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, nếu uống nhiều rượu, nồng độ cồn trong máu quá cao có thể gây ức chế toàn bộ hệ thống thần kinh trung ương, dẫn đến hôn mê sâu, suy hô hấp, trụy mạch, với nhiều biến chứng nguy hiểm như hạ đường huyết, nhiễm toan, rối loạn nước điện giải và dẫn đến tử vong. Có những trường hợp dù được cứu sống nhưng để lại những di chứng nặng như suy gan, tổn thương thần kinh vĩnh viễn hay những di chứng về vận động gây liệt.
Thế nào là đồ uống chứa cồn an toàn?
Theo tiêu chuẩn Việt Nam, về cảm quan, đồ uống chứa cồn an toàn là không cặn và vẩn đục, có mùi vị đặc trưng của nguyên liệu lên men, vị êm dịu.
Xét về chỉ tiêu hóa học, hàm lượng aldehyt, tính bằng miligam aldehyt axetic trong 1l rượu 1000, không lớn hơn 50; hàm lượng este, tính bằng miligam este etylaxetat trong 1l rượu 1000, không lớn hơn 200; hàm lượng metanol trong 1l etanol 1000, tính bằng % (V/V), không lớn hơn 0,1.
Tuy nhiên, người tiêu dùng kể cả sành về đồ uống có cồn đến mấy cũng không thể dùng mắt thường để kiểm tra xem liệu loại rượu mình uống có an toàn hay không. Và dấu hiệu đau đầu chóng mặt sau khi dùng dồ uống chứa cồn có thể được coi là dấu hiệu ban đầu của việc bị ngộ độc cấp thấp.