Căn bệnh ung thư nghệ sĩ Giang Còi mắc khó chẩn đoán sớm
(Dân trí) - Tại Việt Nam, ung thư hạ họng hay gặp hơn ung thư thanh quản nhưng kết quả điều trị lại kém hơn do các triệu chứng lâm sàng ban đầu tương đối kín đáo.
Theo thông tin ban đầu, nghệ sĩ Giang Còi bị ung thư hạ họng giai đoạn 3, có nguy cơ mất giọng hoàn toàn. Khi phát hiện thì khối u đã di căn. Các bác sĩ đã đưa ra phác đồ điều trị. Đợt 1, anh sẽ truyền hóa chất trong khoảng 2 tháng.
Ung thư hạ họng là bệnh khá phổ biến, gặp nhiều hơn ở nam giới. Ở Việt Nam, ung thư hạ họng hay gặp hơn ung thư thanh quản tuy nhiên kết quả điều trị lại kém hơn. Lý do vì các triệu chứng lâm sàng ban đầu tương đối kín đáo, phần lớn người bệnh đến khám đều ở giai đoạn muộn.
Theo hiệp hội quốc tế chống ung thư, ung thư hạ họng xuất hiện theo 3 vùng: xoang lê, vùng sau nhẫn phễu và vùng thành sau hạ họng. Ở giai đoạn sớm, tổn thương hay gặp tại một vùng giải phẫu nhưng ở giai đoạn muộn thường lan sang vùng thanh quản và khó phân biệt xuất phát điểm.
Tỷ lệ mắc bệnh rất khác nhau ở các nước và ngay cả các vùng, các tỉnh trong cùng một nước cũng khác nhau. Ở Việt Nam, ung thư hạ họng đứng thứ 3 sau ung thư vòm, ung thư mũi xoang trong phạm vi ung thư vùng Tai Mũi Họng.
Về tuổi, ở Việt Nam hay gặp nhất từ độ tuổi 50-65 (chiếm khoảng 75%) còn trước 50 và sau 65 tuổi chiếm khoảng 25%.
Ung thư xoang lê
Đây là loại ung thư hạ họng hay gặp nhất ở Việt Nam (trên 80%). Các triệu chứng lâm sàng đầu tiên thường gặp nhất là nuốt khó một bên (71%) hoặc cảm giác khó chịu ở một bên họng, đặc biệt khi nuốt nước bọt.
Sau vài tuần hoặc vài tháng, cảm giác nuốt ngày càng tăng dần, triệu chứng nuốt đau nhói lên tai ngày càng rõ, đôi khi khạc ra đờm nhầy có lẫn máu. Dần dần xuất hiện nói khó do khối u đã bắt đầu lan vào thành họng, thanh quản hoặc do phù nề gây nên. Trong1/3 trường hợp, khi đến khám thì đã sờ thấy hạch cổ.
Chính vì các triệu chứng lâm sàng cũng như hạch cổ ở giai đoạn đầu khá kín đáo, ít rầm rộ hoặc tồn tại một thời gian quá dài làm cho người bệnh dễ bỏ qua, không đến khám. Vì vậy, khi bệnh nhân đến khám hoặc do tuyến dưới chuyển lên thì trên 80% đã ở giai đoạn muộn.
Ung thư vùng sau nhẫn phễu
Đây là loại ung thư phát sinh từ mặt sau niêm mạc của thanh quản tức là vùng niêm mạc bao phủ sụn phễu, các cơ liên phễu và mặt sụn nhẫn. Loại này ít gặp ở Việt Nam (1-2% ung thư hạ họng), hay gặp là thể loét sùi và loét thâm nhiễm.
Triệu chứng hay gặp nhất là nuốt khó, nhưng triệu chứng này cũng không rầm rộ và tiến triển châm. Vì vậy, người bệnh thường bỏ qua.
Soi gián tiếp khó xác định được tổn thương vì thường viêm phù nề nhẹ và vùng sau nhẫn phễu thường hơi gờ lên, nhiều khi khó phân biệt giữa thương tổn của thành sau thanh quản hay của hạ họng. Vì vậy, phải kiểm tra bằng nội soi. Trong giai đoạn đầu, hạch cổ thường chưa phát hiện được.
Ung thư miệng thực quản
Ung thư miệng thực quản phần lớn là thể xâm lấn theo hình tròn vùng ranh giới giữa hạ họng và thực quản. Nhiều tác giả cho rằng nó thuộc phạm vi hạ họng hơn là thực quản.
Về lâm sàng, loại ung thư này thường hay kèm theo thiếu máu do thiếu sắt của hội chứng Ketly-Pateson.
Loại ung thư này thường lan theo các hướng sau đây:
- Theo phía dưới niêm mạc lên phía hạ họng và xuống phía dưới thực quản hoặc lan ra phía trước vào khí quản, cũng hay lan vào tuyến giáp.
- Lan vào thành họng thanh quản hiếm gặp hơn và thường ở giai đoạn muộn làm cho dây thanh bị cố định (chỉ chiếm khoảng 10%).
Hạch cổ bị di căn cũng hay gặp và thường sờ thấy ở giai đoạn muộn. Sự xuất hiện các hạch cổ di căn có thể sờ thấy được trong lần khám đầu tiên chiếm khoảng 20% thường hay gặp là dãy hạch cổ dưới và sau đó là nhóm hạch hồi qui, còn hạch ở trung thất hiếm gặp hơn.
Theo bác sĩ Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chỉ định và tiên lượng hoàn toàn phụ thuộc vào vị trí tổn thương cũng như giai đoạn bệnh. Nếu như ung thư thanh quản có tiên lượng tốt thì ung thư hạ họng có tiên lượng rất xấu, điều trị rất khó khăn. Xu hướng hiện nay là tăng cường điều trị bảo tồn thanh quản, giảm thiểu phẫu thuật tàn phá lớn ảnh hưởng đến chức năng sinh lý thanh quản.
Vì vậy, điều trị bằng xạ trị gia tốc và kết hợp hóa chất là phương pháp được lựa chọn mang lại kết quả điều trị tốt cho những bệnh nhân ung thư hạ họng giai đoạn muộn không thể phẫu thuật.