1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030

(Dân trí) - Hàng năm, số ca tử vong do lao còn cao hơn nhiều so với tai nạn giao thông. Từ cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 mọi người hãy chung tay tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh lao.

Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030

Lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và còn đáng sợ hơn khi dễ dàng lây lan ra cộng đồng nếu bệnh nhân không được chữa trị đúng cách. Bênh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới hàng năm và gần 1,5 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu.

Trong buổi Gặp mặt Báo chí trước thềm Ngày Thế giới phòng chống lao (24/3), PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia chia sẻ: “Ước tính số liệu năm 2018, Việt Nam có 174.000 người mắc lao mới, số người chết do lao ước tính là 11.000 người và có thêm 2000 người chết vì Lao/HIV”.

Chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống lao của Việt Nam năm nay là: “Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”. Chủ đề muốn nêu rõ từ cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 mọi người hãy chung tay tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh lao. Hiện nay, hàng năm, số người tử vong do lao còn cao hơn nhiều số tử vong do tai nạn giao thông.

Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 - 1

GS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia phát biểu tại Buổi gặp mặt.

“Cơ chế lây bệnh lao nguy hiểm hơn Covid-19 vì vi khuẩn lao có thể lây truyền theo đường không khí với các hạt mịn có kích thước dưới 5 micromet, lại có khả năng đối phó, thích nghi với các điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Trong khi đó, Covid-19 chỉ lây khi tiếp xúc với giọt bắn trực tiếp từ người bệnh hoặc bề mặt các đồ vật qua tay tiếp xúc trực tiếp rồi đưa lên miệng mắt mũi” - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung phân tích.

Theo các báo cáo, hàng năm cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Điều đáng mừng là tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức cao, trên 90% với bệnh nhân lao mới, 75% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân đa khác thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.

“Các kỹ thuật công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc. Để có thể phát hiện được nhiều số ca mắc lao, chúng ta đã triển khai chiến lược 2X (X-quang-Xpert) vào vào phát hiện chủ động đạt hiệu quả cao gấp 7 lần so với phát hiện thụ động hiện nay. Sau khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc lao sẽ được điều trị miễn phí thuốc chống lao đối với tất cả các thể lao” - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.

Minh Nhật