1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh viện Ung Bướu TPHCM chuyển cơ sở, bệnh nhân thoát cảnh nằm gầm giường

Hoàng Lê

(Dân trí) - Việc toàn bộ Bệnh viện Ung bướu TPHCM chuyển sang cơ sở mới được ngành y tế địa phương khẳng định sẽ giúp hình ảnh những bệnh nhi phải nằm gầm giường trong quá trình điều trị mãi mãi đi vào dĩ vãng.

Ngày 2/2, Sở Y tế TPHCM cho biết, từ ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão (27/1), toàn bộ Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở mới (TP Thủ Đức) đã chính thức đi vào hoạt động, thay thế cho cơ sở 1 (tại số 3 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh).

Thống kê cho thấy, chỉ trong một ngày đã có 2.315 người đến khám bệnh ở cơ sở mới. Bên cạnh các tiện ích phục vụ người bệnh, thời gian chờ mổ, xạ trị... tại bệnh viện mới sẽ được rút ngắn dần so với trước đây, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh và chất lượng điều trị ngày càng tốt hơn.

Bệnh viện Ung Bướu TPHCM chuyển cơ sở, bệnh nhân thoát cảnh nằm gầm giường - 1

Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cơ sở 2 (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo Sở Y tế TPHCM, trước đây Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1 thường xuyên bị quá tải, phải sắp xếp cho bệnh nhi nằm dưới gầm giường trong quá trình điều trị bệnh. Vào năm 2020, một trường hợp bệnh nhi ung thư chưa đầy 2 tuổi phải nằm dưới gầm giường chật chội và nóng nực cùng 2 người thân, khiến bé khóc mỗi ngày vì sợ giờ đi ngủ đã được báo chí phản ánh, gây xôn xao dư luận.

"Hình ảnh đau lòng trên của bé Y Trê mãi mãi sẽ đi vào dĩ vãng. Thay vào đó, người bệnh ung thư sẽ được chăm sóc trong các khoa, phòng mới được xây dựng khang trang tại cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TPHCM" - Sở Y tế TPHCM khẳng định.

Bệnh viện Ung Bướu TPHCM chuyển cơ sở, bệnh nhân thoát cảnh nằm gầm giường - 2

Cảnh bệnh nhân, thân nhân nằm gầm giường tại cơ sở 1 của Bệnh viện Ung bướu TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cơ sở 2 được khởi công vào ngày 26/6/2016, với tổng vốn đầu tư là 5.800 tỷ đồng. Sau 4 năm xây dựng, bệnh viện chính thức sử dụng khu khám bệnh vào tháng 10/2020, nhằm xử lý phần nào tình trạng quá tải nặng nề của cơ sở cũ. Đến tháng 6/2021, khu hóa trị trong ngày tiếp tục được hoạt động.

Giữa tháng 7/2021, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến cực kỳ phức tạp, Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã được chuyển đổi thành Trung tâm Hồi sức Covid-19 của Thành phố. Nhờ vậy, hàng nghìn F0 trong tình trạng nặng và nguy kịch đã được can thiệp điều trị, hồi sức chuyên sâu và được cứu sống.

Bệnh viện Ung Bướu TPHCM chuyển cơ sở, bệnh nhân thoát cảnh nằm gầm giường - 3

Việc chuyển hoàn toàn sang cơ sở mới sẽ giúp Bệnh viện Ung bướu TPHCM xử lý được tình trạng quá tải khám chữa bệnh trước đây (Ảnh: Hoàng Lê).

Sau dịch, bệnh viện hạ quyết tâm sớm đưa cơ sở mới đi vào hoạt động hiệu quả, lấy người bệnh làm trung tâm. Dù vậy, có những khó khăn khi thay đổi nơi làm việc mới, nhất là vấn đề nhân viên y tế phải di chuyển chặng đường khá xa để đi làm mỗi ngày.

Sở Y tế TPHCM kiến nghị địa phương mở tuyến xe buýt kết nối trạm dừng tuyến metro đến bệnh viện, để phục vụ y bác sĩ và cả người bệnh, khi tuyến đường sắt trên đi vào hoạt động. Đồng thời, kiến nghị UBND TPHCM sớm bố trí ngân sách xây dựng khu nhà nghỉ cho thân nhân người bệnh và các chuyên gia, học viên đến nghiên cứu, học tập, trên khu đất 2,7ha ngay cạnh bệnh viện.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm