Những dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến tiền liệt
(Dân trí) - Các triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt không dễ phát hiện, đó là lý do tại sao tầm soát và phát hiện sớm là rất quan trọng.
Các triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt có thể bao gồm:
- Những vấn đề về tiểu tiện hoặc đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt là vào ban đêm
- Có máu trong nước tiểu
- Đau vùng thận hoặc hạ sườn
- Đổ mồ hôi ban đêm
- Mệt mỏi
- Sút cân
- Đau xương
Khi người bệnh nhận thấy những triệu chứng này, ung thư có thể đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể và sẽ khó điều trị hơn rất nhiều. Ngoài ra, một số triệu chứng này có thể do những bệnh khác gây ra.
Ung thư tuyến tiền liệt là gì?
Ung thư tuyến tiền liệt phát triển khi các tế bào trong tuyến tiền liệt, một tuyến quan trọng đối với sự sinh sản của nam giới, tăng sinh bất thường. Loại ung thư này thường tiến triển chậm.
Cứ 9 nam giới thì có một người mắc – đây là bệnh cực kỳ phổ biến.
Khi nào nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt?
Tin tốt là việc tầm soát rất dễ dàng và hiệu quả.
Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những bệnh mà việc tầm soát và phát hiện sớm sẽ cải thiện kết quả. Và tỷ lệ sống ung thư tuyến tiền liệt là 98% sau 5 năm, theo Hội Ung thư Mỹ. Phần lớn những người được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt không chết vì bệnh này.
Bác sĩ có thể giúp đánh giá nguy cơ và đề xuất thời điểm tốt nhất để bắt đầu khám sàng lọc. Cơ quan chuyên trách Dịch vụ Dự phòng Mỹ khuyên nam giới nên khám sàng lọc ở độ tuổi 55-69. Mặc dù vậy, hướng dẫn từ các tổ chức khác khuyên bạn nên nói chuyện với bác sĩ sớm hơn. Theo PCF, sàng lọc thường bắt đầu từ:
- Tuổi 40 đối với nam giới có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến tiền liệt
- Tuổi 50 đối với những người không có tiền sử gia đình.
Tầm soát ung thư tuyến tiền liệt như thế nào?
Để tầm soát ung thư tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám trực tràng bằng tay để cảm nhận bất kỳ bất thường nào trong tuyến tiền liệt. Cách khám này có thể gây đôi chút khó chịu, nhưng nó dễ thực hiện và là một bước quan trọng để phát hiện sớm bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Bác sĩ cũng sẽ xét nghiệm máu để đo mức độ kháng nguyên đặc hiệu cho tuyến tiền liệt (PSA). Mức PSA tăng lên khi có vấn đề với tuyến tiền liệt - vấn đề đó có thể là ung thư tuyến tiền liệt, nhiễm trùng hoặc một tình trạng bệnh nào đó khác.
Làm thế nào để giảm nguy cơ?
Nguyên nhân của ung thư tuyến tiền liệt còn chưa được biết rõ. Di truyền và các yếu tố môi trường đều có vai trò nhất định. Cứ 10 nam giới thì có một người có khuynh hướng di truyền mắc ung thư tuyến tiền liệt.
Chế độ ăn, tập thể dục và bỏ thuốc lá có thể giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt. Chọn chế độ ăn ít chất béo và carbohydrate chế biến sẵn, giữ cân nặng khỏe mạnh để giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy quan hệ tình dục thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Những tiến bộ trong điều trị
Nếu khám trực tràng cho thấy bất thường hoặc PSA tăng cao, bác sĩ có thể sẽ đề nghị sinh thiết tuyến tiền liệt và cũng có thể đề nghị chụp MRI hoặc các kỹ thuật hình ảnh khác.
Nếu có chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, có nhiều lựa chọn điều trị để cân nhắc dựa trên tuổi tác, sức khỏe chung và mức độ phát hiện sớm của bệnh ung thư - các giai đoạn của ung thư tuyến tiền liệt khác nhau tùy thuộc vào mức độ tiến triển của nó.
Trong thập kỷ qua, nhiều loại thuốc đã được giới thiệu có tác dụng tốt hơn và giúp người bệnh sống lâu hơn và sống tốt hơn.
Các lựa chọn điều trị bao gồm phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt, xạ trị, hóa trị và điều trị hormon. Bác sĩ cũng có thể đề nghị theo dõi chủ động, bao gồm theo dõi để tìm các dấu hiệu cho thấy bệnh đang tiến triển.
Cẩm Tú
Theo TODAY