Các bác sĩ nghĩ gì khi khám bệnh?
(Dân trí) - Tại sao bác sĩ của bạn có vẻ rất ấn tượng với móng tay của bạn? Và điều gì khiến ông ấy đột ngột nói lớn? Trong thực tế đây là những manh mối quan trọng cho biết bác sĩ của bạn đang nghĩ gì trong đầu.
Theo tiết lộ trong một cuốn sách hấp dẫn mới đây của TS Graham Easton, một bác sĩ đa khoa ở London, khi khám cho bệnh nhân, các bác sĩ thường nghĩ rằng:
Nhìn tay sẽ ra bệnh
Bệnh nhân thường không nhận thấy rằng tôi đang nhìn vào bàn tay của họ trong khi khám. Nhưng có nhiều manh mối về sức khỏe trên mỗi cm vuông của bàn tay hơn bất cứ nơi nào khác trên cơ thể của bạn, bao gồm cả khuôn mặt.
Một trong những điều nổi bật nhất mà tôi có thể phát hiện ở bệnh nhân là ngón tay dùi trống, nghĩa là mô mềm xung quanh các đầu ngón tay và ngón chân tăng lên và đầu các ngón tay phình ra giống như đầu que diêm.
Không ai thực sự biết nguyên nhân của dấu hiệu này, nhưng nó có thể là biểu hiện của một loạt bệnh lý, từ bệnh tim và phổi nặng đến xơ gan hoặc bệnh viêm ruột.
Tôi cũng kiểm tra xem có ít máu dưới móng tay của bệnh nhân, như một cái dằm nhỏ, hay không. Đây là đôi khi là dấu hiệu của nhiễm trùng van tim.
Một triệu chứng báo hiệu khác là co cứng Dupuytren, tình trạng dày lên của lòng bàn tay, có thể gây ra “ngón tay hình vuốt”. Dấu hiệu này đôi khi có liên quan đến bệnh tiểu đường hoặc uống quá nhiều bia rượu.
Nhưng bệnh cũng có thể mang tính chất gia đình. Cực thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã bị bệnh này.
Bệnh nhân kể lể dông dài giúp chẩn đoán tốt hơn
Tôi thường cố im lặng và lắng nghe lâu hết mức có thể khi bệnh nhân bắt đầu nói.
Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ thấy rằng bệnh nhân chỉ được phép kết thúc mạch câu chuyện của mình trong chưa đến 1/4 buổi khám, và hầu hết các bác sĩ sẽ ngắt lời sau khoảng 18 giây.
Quan trọng hơn, nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng bệnh nhân thường chỉ đề cập đến những lo âu có ý nghĩa nhất trên lâm sàng ở cuối câu chuyện của họ.
Một nghiên cứu gần đây về các buổi khám của bác sĩ ở Anh cho thấy họ đang làm tốt hơn việc lắng nghe. Các bác sĩ đa khoa trong hai năm đào tạo đầu tiên thường ngắt lời bệnh nhân sau khoảng 36 giây.
Tuy nhiên, nhiều bác sĩ có kinh nghiệm đợi trung bình 51 giây - và hầu hết cho phép bệnh nhân hoàn thành câu chuyện - thường mất chưa đến một phút .
Dùng nghe để bệnh nhân yên tâm
Hai mươi năm trước đây, các bác sĩ phải có kỹ năng hơn nhiều trong việc chẩn đoán bệnh tim bằng ống nghe. Giờ đây, chúng tôi không cần phải như vậy.
Đó là vì, trong những năm gần đây, chúng tôi có thể nhờ đến siêu âm tim, sử dụng sóng siêu âm để kiểm tra tim trong khi nó đang đập để xác định vấn đề.
Có thể cho rằng ống nghe hoàn toàn không còn thực sự cần thiết. Ở trường y, một trong những thày dạy lâm sàng của tôi gọi nó là “ống đoán”. Tôi có thể nghe rõ tim và phổi ngang như vậy mà chỉ cần áp tai vào ngực của bạn.
Tuy nhiên, bệnh nhân có vẻ yên tâm bởi cảm giác của kim loại trên da. Nó cũng làm cho bác sĩ cảm thấy mình là bác sĩ.
Trong thực tế, ống nghe được phát minh vào năm 1816 bởi một bác sĩ người Pháp là René Laennec, để nghe tim phổi ở những bệnh nhân nữ thừa cân mà không phải bối rối khi áp tai lên ngực của họ.
Với phụ nữ, bạn sẽ hay được bác sẽ nghe ở lưng. Vú có tác dụng như một tấm đệm mỡ cách âm – rất khó để nghe qua đó. Có vẻ thích hợp hơn khi bắt đầu ở lung với phụ nữ, thay vì đặt thẳng lên ngực của họ.
Tôi ghét bắt bạn chờ
Tôi ghét cay ghét đắng việc muộn giờ. Kỷ niệm tôi tệ nhất của tôi là gần 1 giờ. Tôi hình dung ra cảnh bệnh nhân đang sôi sục trong phòng chờ, sẵn sàng nổi cơn thịnh nộ khi rút cuộc cũng tới lượt họ vào khám.
Chuyện như vậy đã từng xảy ra. Tôi vẫn nhớ một bệnh nhân đã quát lên với tôi ở trước cửa phòng chờ rằng ông ấy đã phải đợi suốt nửa giờ và rằng điều đó là không thể chấp nhận được, rằng tôi là một kẻ rất thiếu chuyên nghiệp và rằng ông ấy là người cực kì bận rộn .
Tôi nhớ mình đã run lên, một phần do sốc, một phần do phẫn nộ. Tôi vừa phải khám cho một bệnh nhân bị đau tim. Việc đó lâu hơn một chút so với 10 phút qui định dành cho mỗi lượt thăm khám.
Do bí mật bệnh nhân, tôi không thể nói với ông ấy rằng tôi vừa làm gì. Vì vậy, tôi đã phải xin lỗi, giải thích rằng đó là một trường hợp phức tạp và xoa dịu sự tức giận của bệnh nhân.
Những trải nghiệm như vậy thường ám ảnh tâm trí tôi mỗi khi bước qua giới hạn chờ đợi 20 phút mà tôi tự đặt ra.
Còn tiếp
Cẩm Tú
Theo DM