1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ca nhiễm chưa rõ nguồn lây: Chậm giờ nào, nguy cơ lây nhiễm tăng cao giờ đó

Vân Sơn

(Dân trí) - Một người dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không được phát hiện sớm, bị bỏ sót, đi lang thang sẽ vô cùng nguy hiểm - BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1) nhận định.

Từng bước khống chế các chuỗi lây nhiễm

Đợt bùng phát thứ 4 của dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân và sự phát triển kinh tế xã hội. 10 ngày qua, quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố đã được thực hiện, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 bị phong tỏa.

Nhận định về tình hình dịch sau một tuần giãn cách xã hội, GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho hay: "Chùm ca bệnh mang biến chủng Ấn Độ liên quan đến điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là chuỗi lây nhiễm có tốc độ bùng phát mạnh, lây lan nhanh trong thời gian qua".

Ngoài những người tham gia nhóm truyền giáo, dịch đã phát tán trong cộng đồng với nhiều ca bệnh làm việc trong văn phòng, tòa nhà, công ty là môi trường kín, thông khí kém, mật độ tập trung đông người. Cao điểm của ổ dịch này có ngày phát hiện tới 70 ca bệnh. Sau một tuần thực hiện giãn cách xã hội, số ca bệnh phát hiện mỗi ngày đang giảm dần khoảng 20 đến 25 ca trong cộng đồng, số còn lại được phát hiện trong khu cách ly, khu vực phong tỏa - ông Bỉnh thông tin.

Đáng lưu ý, từ ngày 31/5 đến nay, thành phố bắt đầu ghi nhận ca bệnh đã được cách ly và có kết quả xét nghiệm ít nhất một lần âm tính trước đó. Tỷ lệ này đang tăng dần so với ca bệnh phát hiện dương tính chưa được cách ly. Điều đó cho thấy, các chuỗi lây nhiễm đã biết tại thành phố đang từng bước được khống chế.

Ca nhiễm chưa rõ nguồn lây: Chậm giờ nào, nguy cơ lây nhiễm tăng cao giờ đó - 1

Những trường hợp lây nhiễm nhưng chưa xác định được nguồn lây cho thấy dịch bệnh có thể đã lây lan trong cộng đồng từ lâu (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Tuy nhiên, người đứng đầu Sở Y tế TPHCM cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay vẫn còn những ca bệnh chưa rõ nguồn gốc lây nhiễm được phát hiện trong cộng đồng. Tuy nhiên ông cho rằng, hiện thành phố đang trong giai đoạn giãn cách xã hội nên nguy cơ tiếp xúc thấp, không phát tán rộng, chỉ lây lan đến một hoặc hai thành viên trong gia đình.

"Những ca bệnh chưa xác định được nguồn lây có thể do dịch bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng từ trước, đặc biệt là khoảng thời gian nghỉ lễ 30/4 và 1/5, người dân đi lại, tiếp xúc nhiều. Ngoài ra, dịch đang lây lan tại nhiều tỉnh thành trên cả nước nên nguy cơ người dân có thể tiếp xúc với ca bệnh hoặc đi qua địa điểm có ổ dịch, nhưng chưa chủ động khai báo y tế" - GS Bỉnh nhận định. 

Những ca nhiễm chưa rõ nguồn lây

Những nguy cơ tiềm ẩn được nhận ra qua diễn tiến của dịch bệnh ngay trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Cụ thể, trong 2 ngày qua, một số ca bệnh chưa rõ nguồn lây đã xuất hiện.

Điển hình là trường hợp chiến sĩ Công an quận Tân Phú được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 ngày 6/6. Những ngày trước đó, anh được phân công làm nhiệm vụ chốt trực ở một số khu vực trên địa bàn. Vợ chiến sĩ này cũng dương tính với SARS-CoV-2.

Ca nhiễm chưa rõ nguồn lây: Chậm giờ nào, nguy cơ lây nhiễm tăng cao giờ đó - 2

Chiến sĩ công an nhiễm SARS-CoV-2 được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới sang Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.

Tiếp đến là trường hợp vợ chồng nữ bệnh nhân 57 tuổi, ngụ tại phường 15, quận Gò Vấp. Bà được chồng chuyển đến Bệnh viện quận Gò Vấp cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi, suy đa tạng trên nền cơ địa đái tháo đường, tăng huyết áp. Nữ bệnh nhân đã ngưng tim, ngưng thở, tử vong trên đường chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới.

Kết quả xét nghiệm của hai vợ chồng đều dương tính với SARS-CoV-2 nhưng chưa rõ nguồn lây.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhận định: "Thời điểm này, một người dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không được phát hiện sớm, bị bỏ sót, đi lang thang sẽ vô cùng nguy hiểm. Chỉ cần chậm giờ nào, nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng sẽ tăng cao giờ đó nên việc phát hiện sớm nguy cơ để bắt được ca bệnh là điều vô cùng quan trọng. Để phát hiện sớm ca bệnh, các cơ sở y tế cần thực hiện test nhanh hoặc xét nghiệm sớm nhất".

Ca nhiễm chưa rõ nguồn lây: Chậm giờ nào, nguy cơ lây nhiễm tăng cao giờ đó - 3

Test nhanh hoặc xét nghiệm SARS-CoV-2 càng sớm càng tốt sẽ ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm ngoài cộng đồng (Ảnh: Phạm Nguyễn).

BS Hữu Khanh khuyến cáo người dân ngoài việc tuân thủ 5K, mỗi người cần phải xác định bản thân mình có nguy cơ nào của chuỗi lây bệnh hay không, nếu có phải tiếp cận cơ sở y tế để tầm soát nguy cơ càng sớm càng tốt.

Nếu bản thân lâu nay khỏe mạnh, nhưng đột nhiên bị cảm, sốt, mất khứu giác, vị giác… bằng mọi cách phải làm cho được test nhanh ở cơ sở y tế, tuyệt đối không đi lung tung. Nếu người lớn bị viêm hô hấp phải đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán kịp thời.