BV Việt Đức: Hơn 70.000 ca phẫu thuật, nhu cầu phục hồi chức năng rất lớn
(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, mỗi năm bệnh viện thực hiện hơn 70.000 ca phẫu thuật, trong đó rất nhiều chuyên khoa phải thực hiện phục hồi chức năng.
Chiều 2/12, tại Lễ ký kết hợp tác của Trường Cao đẳng Y tế và Thiết bị Việt Đức trong lĩnh vực phục hồi chức năng, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Hiệu trưởng nhà trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đánh giá, nhu cầu chuyên ngành phục hồi chức năng rất lớn, trong khi đó nhân lực còn rất hạn chế.
Theo kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật của Tổng cục thống kê được công bố ngày 1/11/2019, Việt Nam có hơn 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số. Bên cạnh đó, quá trình già hóa dân số ở Việt Nam không ngừng gia tăng làm cho nhu cầu phục hồi chức năng ngày càng lớn.
"Nhu cầu thực hiện phục hồi chức năng tại VIệt Nam hiện nay rất lớn, không chỉ với nhóm đối tượng sau phẫu thuật mà còn cả nhóm đối tượng không phẫu thuật như bệnh nhân sau tai biến mạch máu não; sau di chứng của các bệnh lý như viêm dính khớp; chấn thương thể thao; chấn thương lao động; chấn thương trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu có ảnh hưởng tới chức năng hệ vận động cơ xương khớp thì đều cần thực hiện phục hồi chức năng", TS Khánh nói.
Trong thực tế, tại Việt Nam, đến năm 2019 có tới 36/63 tỉnh có bệnh viện phục hồi chức năng; 100% các bệnh viện đa khoa trung ương và 98% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có khoa phục hồi chức năng. Các đơn vị phục hồi chức năng có nhu cầu tuyển dụng thường xuyên nhưng lại không tìm ra kỹ thuật viên đủ tiêu chuẩn.
"Theo nghiên cứu đánh giá nhu cầu đào tạo Kỹ thuật phục hồi chức năng tại Việt Nam hiện cả nước đang thiếu hụt số lượng lớn kỹ thuật viên phục hồi chức năng được đào tạo bài bản. Điều này dẫn đến tình trạng người bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng, đặc biệt là các kỹ thuật chuyên sâu", PGS Khánh nói.
Ngay tại Bệnh viện Việt Đức, từ trước dịch Covid-19, số lượng ca cần phẫu thuật hàng năm trung bình lên tới hơn 70,000 ca. Hiện tại, sau dịch số lượng này còn cao hơn. Riêng trong số những bệnh nhân phẫu thuật, có liên quan tới rất nhiều chuyên khoa mà cần phải thực hiện phục hồi chức năng.
Vì thế, PGS Khánh cho rằng, nguồn nhân lực hiện nay cho ngành phục hồi chức năng tại Việt Nam cần bổ sung. Đặc biệt với xu hướng tuổi thọ của người dân đang tăng, số lượng người cao tuổi cũng nhiều lên, kéo theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại nhà, nhu cầu tại các viện dưỡng lão cũng lớn.
PGS Khánh đánh giá, sự hợp tác giữa một bên là cơ sở đào tạo, một bên là Trung tâm trị liệu có trang thiết bị máy móc hiện đại, với việc phối hợp tổ chức các buổi thực hành sẽ giúp đào tạo nhân lực giỏi cho chuyên ngành phục hồi chức năng.