Kỹ thuật phục hồi chức năng giúp bệnh nhân ung thư như thế nào?
(Dân trí) - Đại đa số bệnh nhân mang tâm lý buồn bã lo sợ, cảm giác như cái chết đang đến gần khi được chẩn đoán ung thư. Tuy nhiên, với tiến bộ của y học, rất nhiều bệnh nhân ung thư thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Nhưng sau khi phẫu thuật, điều trị hóa chất hoặc tia xạ, bệnh nhân bị tổn thương rất nhiều về thần kinh, xương, cơ, tổ chức phần mềm… làm bệnh nhân mệt mỏi, đau đớn, rất khó khăn khi cử động, đi lại do cứng khớp hoặc khó nuốt. Chính vì vậy, nhu cầu được tư vấn, điều trị bằng chuyên khoa phục hồi chức năng để giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng sống, nâng cao hiệu quả điều trị là rất chính đáng và cần thiết đối với bệnh nhân ung thư. Bài viết này nhằm tổng hợp một số biến chứng có thể gặp phải ở bệnh nhân ung thư và các kỹ thuật phục hồi chức năng có thể phòng ngừa, giảm thiểu những biến chứng đó.
Ung thư vú: Các biến chứng của phẫu thuật và xạ trị
- Hạn chế vận động khớp vai:
Giảm đau bằng thuốc và vật lý trị liệu, bắt đầu vận động sau rút dẫn lưu. Sau khi vết thương ổn định, tiếp tục tập để cải thiện tầm vận động cho bệnh nhân, tập mạnh cơ vùng đai vai.
- Phù bạch huyết: Tay to lên bất thường, gây giảm tầm vận động, tổn thương thần kinh, đau, hạn chế khả năng chăm sóc bản thân.
Cần sử dụng băng ép, xoa bóp và một số bài tập cải thiện tình trạng cho bệnh nhân.
- Biến chứng toàn thân khi có di căn: Giúp giảm đau, chăm sóc bản thân, duy trì hoạt động xã hội và nghề nghiệp tốt nhất, bảo vệ xương, duy trì sức bền, sức mạnh cơ thể, giáo dục và hỗ trợ.
Ung thư đầu mặt cổ
Ảnh hưởng đến giao tiếp, dinh dưỡng, nuốt, chức năng thần kinh cơ.
- Mổ cổ triệt căn (Radical neck dissection): Phù mặt, tổn thương thần kinh sọ VII, X, XI, XII, mất cơ dẫn đến vận động cổ không cân xứng, xương bả vai xệ và ra trước, trật khớp ức đòn, thoái hóa khớp.
Phục hồi chức năng: phòng và điều chỉnh các biến dạng trên, các bài tập thực hiện trong, sau khi phẫu thuật - xạ trị.
- Hạn chế vận động khớp thái dương hàm:
Tập kéo giãn, dụng cụ kéo giãn thụ động, dụng cụ tập thụ động liên tục.
- Tổn thương lưỡi ảnh hưởng nói và nuốt.
Bài tập mạnh cơ, duy trì tầm vận động, bài tập bù trừ, dụng cụ hỗ trợ, điện xung.
Ung thư hầu/thanh quản
Tập nói bằng giọng thực quản hoặc thiết bị điện tử.
Rối loạn nuốt nặng: Tập nuốt, điện xung.
Bệnh máu ác tính
Gây ảnh hưởng toàn trạng và triệu chứng tại nhiều cơ quan.
Ung thư máu, u lympho: các bài tập chủ động như đi bộ duy trì sức bền.
Ghép tủy xương dùng liều cao steroid: cần thêm các bài tập đặc trưng.
Ung thư phổi
- Bệnh nhân đau, rối loạn hô hấp:
+ Kiểm soát đau: Thuốc, vật lí trị liệu
+ Kĩ thuật thở: ho, thở mím môi, thở hoành
+ Tư thế thân mình, tập di chuyển, tập chi dưới
+ Vận động sớm.
Ung thư đường tiêu hóa
- Chủ yếu phục hồi chức năng sau phẫu thuật lớn.
U não
- Triệu chứng: liệt, rối loạn nhận thức, rối loạn giác quan. Đa số bệnh nhân phối hợp nhiều khiếm khuyết.
Phục hồi chức năng tùy vào từng bệnh nhân: phục hồi vận động, rối loạn nhận thức, giác quan…
Ung thư tổ chức liên kết
- Cắt cụt chi:
Trước phẫu thuật: giáo dục cho bệnh nhân và gia đình, bắt đầu bài tập sức bền, sức mạnh, giới thiệu bệnh nhân cách sử dụng dụng cụ hỗ trợ di chuyển vào nhà vệ sinh một cách an toàn.
Sau phẫu thuật: dụng cụ chỉnh hình thay thế.
Bài tập theo tầm vận động, kéo giãn.
Người bệnh tập Phục hồi chức năng tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Ung thư tuyến tiền liệt
- Di căn xương, rối loạn tiểu tiện.
- Điều trị antiandrogen gây teo cơ, giảm sức mạnh và độ bền cơ, mệt mỏi.
Lúc này cần can thiệp sớm với các bài tập mạnh cơ và aerobic.
Ung thư tuyến giáp
- Sau phẫu thuật: Bệnh nhân có thể bị nuốt vướng, khàn tiếng, sẹo mổ cứng, xấu, tê bì quanh vết mổ.
- Cần phải tư vấn bác sĩ phục hồi chức năng ngay để điều trị kịp thời: xoa bóp, tập nuốt, sử dụng điện trị liệu…